NATO và Nga gầm ghè nhau tại Baltic

Chiếm hạm HMS Ocean của hải quân Anh tham gia cuộc tập trận.
Chiếm hạm HMS Ocean của hải quân Anh tham gia cuộc tập trận.
TP - Cuộc tập trận biểu dương sức mạnh rầm rộ của NATO chỉ cách vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga khoảng 100 dặm. Hàng chục tàu đổ bộ của NATO đang khuấy động vùng biển Baltic, với sự yểm trợ của các chiến hạm lớn như San Antonio (Mỹ), HMS Ocean (Anh), Lublin (Ba Lan)…, báo Anh The Guardian đưa tin.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon giám sát cuộc tập trận. Các phương tiện đổ bộ hiện đại của Mỹ tập trung quy với mô lớn khiến người ta liên tưởng cuộc đổ bộ Normandie. Các chiến đấu cơ Eurofighter gầm rú trên đầu, trong khi lính thủy đánh bộ tiến vào các khu rừng… Cuộc đổ bộ tại Ustka (Ba Lan) ngày 17/6 là đỉnh điểm của đợt tập trận Baltops kéo dài hai tuần. 49 chiến hạm và 5.900 binh sĩ thuộc 17 nước NATO diễu võ giương oai.

Theo The Guardian, đây là một trò chơi nguy hiểm. Một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất của Nga là Kaliningrad chỉ cách đó hơn 100 dặm về phía đông và Kremlin có thể xem những cuộc tập trận như vậy là một hành động khiêu khích vào thời điểm căng thẳng dâng cao giữa Nga và phương Tây. Nga hiện đóng trú tại Kaliningrad khoảng 50 chiến hạm khiến Mỹ và Anh phải dành nhiều năng lực trinh sát để giám sát các hoạt động hải quân tại đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa thông báo kế hoạch bổ sung 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân vào kho vũ khí hạt nhân trong năm nay. Động thái này là sự đáp trả tuyên bố của Mỹ về việc chuẩn bị triển khai 200 xe tăng, xe bọc thép và pháo hạng nặng tại các căn cứ ở Đông Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói, rõ ràng Nga đang hiện đại hóa lực lượng hạt nhân cũng như các vũ khí thông thường. NATO cũng đang tăng chi tiêu quốc phòng và mua sắm trang bị mới để sẵn sàng đối phó Nga.

Gần đây, máy bay chiến đấu Nga bay sát chiến hạm NATO để cảnh cáo. Ngày 17/6, chiến đấu cơ NATO tại Estonia chặn máy bay quân sự Nga, nâng số lần ngăn chặn lên 11 trong vòng 6 tuần qua. Có 5 vụ xảy ra trong 10 ngày qua khi diễn ra cuộc tập trận Baltops. Một sĩ quan hải quân Mỹ nói rằng, tàu chiến Nga cũng tiến sát hạm đội NATO, chỉ cách khoảng một dặm.

Tướng Ben Hodges, tư lệnh NATO tại châu Âu, bày tỏ tin tưởng rằng, Nga không mong muốn đối đầu NATO. Tướng Hodges lo ngại về khả năng Nga dùng tên lửa chống hạm phong tỏa biển Baltic. Nga vừa tập trận với tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander tại khu vực. Với tầm bắn 300 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, loại tên lửa này thực sự là mối đe dọa lớn ngay trong lòng NATO.

Ông Igor Sutyagin, chuyên gia quân sự tại London, nói rằng, xung đột tại Baltic rất phức tạp khi cả đôi bên đều sử dụng các cuộc tập trận để phát đi thông điệp. Theo ông Sutyagin, NATO đã phạm sai lầm đi sau các động thái của Nga và để bắt kịp, khối quân sự này tỏ ra cứng rắn hơn đối thủ. Đó là lý do tại sao dễ dẫn đến xung đột và đây là điều nguy hiểm.

Một vấn đề tranh cãi khác giữa NATO và Nga là hiệp định không đặt căn cứ quân sự thường trực tại Đông Âu. NATO luân phiên binh lính tại các thành viên Baltic và Ba Lan theo từng năm và tuyên bố đó không phải quân thường trực. Nga coi đó là sự ngụy biện. Tướng Nga Yuri Yakubov tuyên bố, Nga có nhiều lựa chọn để đáp trả kế hoạch tăng quân và vũ khí của Mỹ tới Đông Âu. Một trong các lựa chọn đó là triển khai tên lửa Iskander tại Kaliningrad.

MỚI - NÓNG