NATO ‘nhìn thấu’ trò chơi nguy hiểm của Erdogan

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được cho là đang thực hiện những "bước đi nguy hiểm" trong quan hệ với Nga. Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được cho là đang thực hiện những "bước đi nguy hiểm" trong quan hệ với Nga. Ảnh: Reuters
TPO - Theo chuyên gia phân tích Mỹ, các nguồn thông tin qua lại suốt nửa tháng qua cho thấy, căn cứ khẳng định chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị bắn hạ trên lãnh thổ Syria, thay vì Thổ Nhĩ Kỳ, là khá rõ ràng.

Stephen Cohen, Giáo sư trường Đại học Princeton, một trong những chuyên gia phân tích chính trị nổi tiếng của Mỹ cho rằng, tuyên bố máy bay quân sự Nga bị bắn hạ trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ “có lẽ là quyết định cá nhân của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan”, bất chấp thực tế cường kích này bị bắn hạ trên lãnh thổ của Syria.

Trong bối cảnh quan hệ với Nga đang trong giai đoạn đóng băng, và Mỹ đang rất cần một sự liên kết với Nga chống lại “Nhà nước Hồi giáo” (IS), thì Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chấp nhận việc kết nạp Montenegro trở thành thành viên thứ 29 của NATO hồi đầu tháng 12, mà theo giáo sư Stephen Cohen, đây là một động thái “không bình thường” của NATO, gián tiếp làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Giáo sư Cohen cũng lưu ý rằng, khủng bố tại Paris hồi giữa tháng 11 đã chứng minh tính cấp thiết về sự hợp tác giữa các nước phương Tây và Nga trong cuộc chiến chống IS, tuy nhiên, giáo sư Stephen Cohen cho rằng, NATO dường như chỉ muốn hiểu những điều đó khi sự việc đã quá muộn.

Sau vụ khủng bố ở Paris, trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande thực hiện hàng loạt chuyến đi coi thoi đến các nước lớn nhằm tìm kiếm một liên minh rộng rãi chống IS, trong đó có Nga, thì vẫn có không ít các thành viên NATO bày tỏ quan điểm trái ngược về một liên minh chống khủng bố với sự tham gia của Moscow.

Trong khi đó, Stephen Cohen đặc biệt lưu ý tới các động thái từ Nhà Trắng.

Theo giáo sư Cohen, Tổng thống Mỹ đã lặng thinh trước các hoạt động của máy bay Nga tại Syria, trong đó hiệu quả của chiến dịch không kích do Moscow khởi sự mang lại những kết quả tích cực hơn rất nhiều hoạt động không kích mà Washington và liên minh 65 nước tiến hành trong nhiều tháng qua ở Iraq và Syria.

Stephen Cohen tin rằng, chiến lược không kích của Nga ở Syria khiến “Lầu Năm Góc choáng váng”, bởi trước đó Mỹ không tin Nga có khả năng khởi đầu chiến dịch quân sự quy mô như vậy.

Ngoài ra, quyết định tham gia chống IS của Moscow cho thấy, Nga không chỉ không kích để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình ở Syria, mà còn chứng minh cho Mỹ và phương Tây thấy rằng, người Nga đang trở lại trong hàng ngũ của những cường quốc, và “đấy mới là thực tế”, giáo sư trường Đại học Princeton kết luận.

Theo Theo RIA Novosti
MỚI - NÓNG