'Náo nhiệt' thị trường mang thai hộ ở Mỹ

Một phụ nữ mang thai hộ của Baby Plan.
Một phụ nữ mang thai hộ của Baby Plan.
Sẽ có hơn 2.000 em bé ra đời thông qua dịch vụ mang thai hộ ở Mỹ trong năm nay – tăng gấp 3 lần so với cách đây chục năm. Hàng loạt các chương trình quảng cáo tìm kiếm người tặng trứng, cha mẹ tương lai, người mang thai hộ tương lai.

Nhiều người mang thai hộ và những cặp vợ chồng chuẩn bị có con tìm kiếm nhau trên Internet và tự đặt ra các thỏa thuận mà đôi khi không có sự tham gia của luật sư hay ký hợp đồng chính thức. Các công ty cung cấp dịch vụ mang thai hộ cũng góp phần tạo nên một thị trường hỗn loạn mà ở đó những khách hàng vợ chồng thèm khát có con dễ trở thành mồi ngon cho những “bác sĩ” thiếu chuyên môn hay vô đạo đức.

Các công ty dịch vụ mang thai hộ ở Mỹ đang phất lên

Loại hình mang thai hộ xuất hiện ở Mỹ cách đây hơn 30 năm, không bao lâu sau khi đứa bé chào đời đầu tiên bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở Anh. Lúc đó, người mang thai hộ sử dụng trứng của mình và tinh trùng của người cha tương lai để có con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Nhưng, mọi chuyện bắt đầu thay đổi sau vụ án Baby M. năm 1986 – lúc đó người mang thai hộ Mary Beth Whitehead từ chối trao đứa bé cho cha mẹ đích thực của nó. Từ đó, loại hình mang thai hộ chuyển sang hướng khác – tức là người mang thai hộ hoàn toàn không có mối liên kết di truyền nào với đứa bé. Phôi thai sẽ được tạo ra trong phòng thí nghiệm, sử dụng trứng và tinh trùng của cha mẹ hay người hiến tặng và sau đó đưa vào tử cung người mang thai hộ.

Cho đến nay, Mỹ là nơi thu hút rất nhiều cặp vợ chồng đến từ châu Âu, châu Á và Australia để tìm kiếm dịch vụ mang thai hộ. Nhiều công ty dịch vụ mang thai hộ ở Mỹ ăn nên làm ra nhờ vào lượng khách hàng quốc tế ngày một tăng. Nhiều quốc gia ngăn cấm quảng cáo các dịch vụ mang thai hộ và chỉ cho phép các trường hợp vì tính nhân đạo, nghĩa là người phụ nữ mang bào thai trong bụng chỉ nhận tiền để trang trải cho các chi phí từ lúc “đậu thai” cho đến khi đứa bé chào đời suôn sẻ.

'Náo nhiệt' thị trường mang thai hộ ở Mỹ ảnh 1

Stuard Bell, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ mang thai hộ Growing Genarations ở Los Angeles.

Các quốc gia này rất “dị ứng”chuyện thương mại hóa sinh đẻ và coi dịch vụ mang thai hộ chẳng khác nào sự lợi dụng những phụ nữ nghèo khổ cần tiền để sống trong khi phụ nữ giàu có chẳng “cho thuê bụng” bao giờ! Trong khi nhiều bang (như New York) cấm tiệt dịch vụ mang thai hộ thì một số bang khác (như California) lại cho phép loại hình sinh con này.

Dịch vụ mang thai hộ vẫn còn gây nhiều tranh cãi, thậm chí ở Mỹ, bất chấp sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới các bệnh viện, bác sĩ và công ty. Những người ủng hộ cho rằng khi mọi chuyện diễn ra suôn sẻ thì sự chào đời của em bé đối với cặp vợ chồng không có khả năng sinh con sẽ là niềm vui khó tả. Nhưng phía chỉ trích thường tập trung vào rất nhiều vấn đề như: sức khỏe của người mang thai hộ hay trường hợp đứa bé chào đời bị chính cha mẹ thật sự của nó bỏ rơi, hoặc phôi thai không may bị dị tật v.v…

'Náo nhiệt' thị trường mang thai hộ ở Mỹ ảnh 2

Cặp đồng tính người Đức – Thomas Reuss và Dennis Reuther (phía sau) với đứa con “mang thai hộ”.

Ở Canada cũng như ở Anh, khoản tiền trả cho người mang thai hộ chỉ giới hạn ở những chi phí cần thiết. Nước Đức dứt khoát cấm loại hình dịch vụ mang thai hộ với Luật Bảo vệ bào thai, trong đó quy định không cho phép cấy phôi thai vào tử cung bất cứ phụ nữ nào ngoại trừ người cho trứng. Ingrid Schneider – chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ sinh học, Xã hội và Môi trường Đại học Hamburg (Đức) – nhận định: “Chúng tôi coi mang thai hộ như là dạng khai thác phụ nữ và khả năng sinh sản của họ. Theo quan điểm chúng tôi, tiến trình liên kết giữa mẹ và con diễn ra từ trước lúc sinh nở. Đó là tiến trình diễn ra trong suốt thời kỳ thai nghén mà ở đó mối quan hệ sâu sắc được xây dựng giữa mẹ và đứa bé tương lai. Mối liên kết này hết sức quan trọng để tạo nên nền tảng cho mối ràng buộc mẹ - con được tốt đẹp và chính điều đó bảo vệ cả hai người”.

Với những người chấp nhận chuyện mang thai hộ thì giá cả chẳng rẻ chút nào – tổng cộng từ khoảng 150.000USD trở lên! Giá cả cũng chênh nhau tùy theo từng vùng, song những phụ nữ mang thai hộ thường nhận từ 20.000 - 30.000USD, những người cho trứng nhận 5.000 - 10.000USD. Còn chi phí cho bệnh viện và bác sĩ là 30.000USD, công ty cung cấp dịch vụ mang thai hộ là 20.000USD và luật sư là 10.000USD. Ngoài ra, những cha mẹ tương lai còn phải đóng một số phí cho người mang thai hộ bao gồm: bảo hiểm, thuốc men, quần áo cho thai phụ cũng như chi phí ăn uống và đi lại. Do dịch vụ mang thai hộ quá đắt ở Mỹ, cho nên các cặp vợ chồng thường chọn điểm đến là Ấn Độ, Thái Lan hay Mexico – những nơi mà chi phí chỉ bằng một nửa hay ít hơn so với ở Mỹ.

Mặc dù vậy, dịch vụ mang thai hộ ở Mỹ vẫn ăn nên làm ra. Theo Stuart Bell, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ mang thai hộ Growing Genarations ở Los Angeles, cách đây 4 năm chỉ có khoảng 20% khách hàng từ nước ngoài song con số này hiện đã tăng hơn một nửa. Các công ty khác cũng có số lượng khách hàng tương tự. Công ty dịch vụ mang thai hộ Circle, ở thành phố Boston, nhận đăng ký khoảng 140 trường hợp mỗi năm và con số này không ngừng tăng lên. Hiện nay, Circle đã mở thêm chi nhánh ở California để phục vụ số khách hàng châu Á đang gia tăng.

'Náo nhiệt' thị trường mang thai hộ ở Mỹ ảnh 3

Áp lực có con rất lớn ở Trung Quốc.

Dịch vụ mang thai hộ bất hợp pháp ở Trung Quốc

Cũng như phần lớn các quốc gia khác trên thế giới, mang thai hộ được coi là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Nhưng sự kết hợp giữa tình trạng vô sinh đang tăng, sự nới lỏng mới đây của chính sách 1 con và quan niệm vợ chồng phải có con đã dẫn đến sự bùng nổ thị trường đen mang thai hộ ở Trung Quốc trong thời gian gần đây. Theo đánh giá của các chuyên gia, loại hình dịch vụ bất hợp pháp này sẽ tạo ra trên 10.000 ca sinh nở một năm. Công ty Huang Jinlai bảo đảm chương trình mang thai hộ với ADN của khách hàng và giới tính tự chọn. Công ty Công nghệ Y khoa hỗ trợ sinh con (gọi tắt là Baby Plan) của Huang Jinlai có chi nhánh ở 4 thành phố Trung Quốc và tổ chức được 300 ca sinh nở thành công mỗi năm.

Nhu cầu thường xuất phát từ những cặp vợ chồng giàu có ít có khả năng sinh con do lập gia đình muộn. Nhiều người cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí, đất trồng và nước góp phần làm gia tăng các trường hợp vô sinh, mặc dù điều này chưa được khoa học chứng minh. Một số cặp vợ chồng tìm đến dịch vụ mang thai hộ vì đứa con duy nhất của họ đã chết. Đó là những lý do khiến dịch vụ mang thai hộ bùng nổ và dẫn đến nhiều câu chuyện buồn. Một phụ nữ chỉ xưng họ là Zuo cho biết chị đã trả số tiền 30.000NDT (khoảng 5.000USD) cho người phụ nữ mang thai hộ. Nhưng sau khi mang thai, người phụ nữ đó tuyên bố muốn giữ lại đứa bé và biến mất.

'Náo nhiệt' thị trường mang thai hộ ở Mỹ ảnh 4

Y tá Ấn Độ đang chăm sóc em bé “mang thai hộ”.

Ở thành phố Vũ Hán, Baby Plan đề nghị chương trình mang thai hộ đắt tiền nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ. Cặp vợ chồng Trung Quốc bay đến Thái Lan để cung cấp trứng và tinh trùng. Người phụ nữ Trung Quốc mang thai hộ cũng đến Thái Lan để được cấy phôi thai. Sau đó, cả 3 người trở về Trung Quốc và người mang thai hộ được sắp đặt ăn ở trong một bệnh viện tư nhân. Người mang thai hộ bị cấm tiếp xúc với gia đình và chỉ được một chuyên gia tư vấn tâm lý đến thăm mỗi ngày để chắc chắn chị ta không bỏ trốn cùng với phôi thai của khách hàng, theo Huang Jinlai. Nếu mọi chuyện tiến triển tốt đẹp, đứa bé sẽ chào đời trong bệnh viện và cha mẹ được Baby Plan lo liệu cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng nhận có con hợp pháp.

Một nữ khách hàng 49 tuổi của Baby Plan là Zhang có đứa con gái duy nhất 18 tuổi nhưng đã tự sát năm 2012. Sau một năm tìm hiểu cặn kẽ, Zhang và chồng quyết định sinh đứa con khác. Nhưng các xét nghiệm cho thấy trứng của Zhang quá già nên không thể thụ tinh được. Bà Zhang đề nghị chồng sử dụng phụ nữ mang thai hộ với trứng của người này. Người phụ nữ mang thai hộ được Baby Plan trả 24.000 USD. Đối với những phụ nữ mang thai hộ, số tiền kiếm được là khá lớn song họ cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ cho cơ thể do điều trị hormone và mang thai, nhiều người còn gặp phải các vấn đề về tâm lý.

Huang Jalin cho biết, công ty của ông ưu tiên chọn những phụ nữ mang thai hộ đã từng sinh con do ít gặp những hiệu quả phụ, trong đó bao gồm việc điều trị sinh sản có thể tác động đến khả năng có con sau này của họ. Ngoài ra, những người từng làm mẹ sẽ có trạng thái tâm thần ổn định hơn. Mặc dù vậy, để an toàn, công ty của Huang Jailin đã thuê phụ nữ đến gặp người mang thai hộ mỗi ngày để chắc chắn người này không nảy sinh tình cảm quyến luyến với bào thai trong bụng.

Thời gian gần đây, những cặp vợ chồng Trung Quốc giàu có thường có xu hướng chọn phụ nữ Mỹ mang thai hộ. Lý do là chính sách 1 con của Trung Quốc khiến họ không thể có đứa con thứ hai hoặc họ muốn có con mang quốc tịch Mỹ sau khi chào đời.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.