Nặng trĩu, nhẹ tênh

TP - Đời sống trĩu nặng với những hệ lụy ghì chúng ta sát đất. Và đời sống cũng thật nhẹ, nhẹ tênh. Có điều trong mọi đối kháng, thì đối kháng giữa nặng/nhẹ cuộc đời là điều bí ẩn, mờ mịt nhất. 

Đọc được điều ấy từ trong “Đời nhẹ khôn kham” của đại tác gia gốc Tiệp Milan Kundera. Giữa buổi chiều cuối tuần váng vất tâm trạng.

Nhân sinh, nhẹ tênh mà trĩu nặng.

Là phiên tòa ly hôn ngàn tỷ ồn ào đến mức không biết đâu mà lần, không biết nên nghĩ theo chiều hướng nào. Bởi cái lý tưởng của người chồng vượt lên “tầm thường” của tiền bạc và đời sống để phụng sự triết và đạo thiêng liêng mang tầm dẫn dắt và cứu rỗi? Hay bởi bản tính thực tế, sự vun quén lo toan như thường thấy ở mọi người vợ? Là những kẻ ngoài cuộc, chúng ta không thể biết và khó lòng phán xét.

Là hai cựu bộ trưởng (của cùng một Bộ) vừa bị bắt chiều qua, liên quan đến vụ mua bán AVG. Một trong hai người thời xưa ở miền Trung từng cùng tôi chia nhau ly rượu nhạt, cùng những chuyến công tác trèo đèo lội suối giữa buổi chiều đại ngàn trống trải mà lúc ấy tôi chỉ muốn hét thật to cho vỡ tan niềm hoang vu chợt ập đến. Giờ thì biết nói gì? Thời gian mải miết trôi. Quá nhanh. Đời sống lại quá bề bộn, nặng trĩu. Tôi thì đã dừng lại bên bờ này quá lâu, không thể biết những gì đã diễn ra tiếp theo ở những chốn cao xa kia... 

Nhưng có hư vô và chủ quan lắm không, khi Kundera cho rằng cuộc đời “chẳng có phương cách nào để xem quyết định nào tốt, vì căn bản không hề có sự so sánh. Mọi thứ trong đời đều là trải nghiệm lần đầu và không được chuẩn bị”? Khi mỗi chúng ta là những diễn viên mà “buổi tập diễn đầu tiên cho cuộc sống lại chính là cuộc sống”?. Bởi tôi nghĩ nhân gian đâu chỉ một người. Bài học của người trước chính là kinh nghiệm của người sau, thậm chí lặn sâu để biến thành một thứ cấu trúc ADN - đạo đức/ứng xử của cá nhân ấy.  

Dẫu rất nhiều khi tội ác khởi phát từ sự mù lòa lý trí nhưng lại mạo danh đạo đức, nhân tính. Như việc một người cha chơi đùa với cậu con trai nhỏ trong công viên vừa bị đâm chết bởi những kẻ căm ghét “bắt cóc trẻ con”!?  

Con số từ Tổng cục Thống kê, ước tính mỗi năm toàn dân ta đốt khoảng 16.000 tỷ đồng tiền vàng mã. Đó là con số năm 2016, tới thời điểm này chắc còn cao hơn. Để “giải” những hệ lụy, âu lo đầy mơ hồ mà ngày càng trĩu nặng. Đúng là đối kháng giữa nặng - nhẹ cuộc đời vẫn luôn là điều bí ẩn, mờ mịt nhất. Và cái “danh ngôn” bất đắc dĩ “Tiền nhiều để làm gì” trở nên vừa bi lại vừa hài.

Vậy chúng ta biết bám víu vào đâu? Biết bao điều tốt đẹp, nhẹ nhõm đang diễn ra xung quanh, nhưng lại ít khiến ta lưu tâm hơn những gương mặt của cái ác và tội lỗi.

Đời nhẹ, mà nhiều khi không dễ gì kham nổi.

Vói Kundera, không có gì nặng hơn lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn được ông diễn giải theo nghĩa “cùng có chung cảm xúc”, chứ không phải nỗi xót thương ban phát. Đó là khi “Nỗi đau của chính mình cũng không thể nặng bằng nỗi đau mình cảm thấy cho người khác, chịu đựng giùm người khác, một nỗi đau mà cường độ được nhân lên bởi thần trí tưởng tượng và kéo dài ra bởi cả trăm tiếng dội vọng về”.

Vậy nhưng tôi vẫn nghĩ, lòng trắc ẩn ấy cũng nhẹ thôi mà! 

MỚI - NÓNG