Nắng nóng, miền Nam căng thẳng về điện

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Những ngày qua, do nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Nam tăng mạnh, trong khi đó nguồn điện bổ sung rất hạn chế khiến lưới điện nhiều nơi bị quá tải cục bộ.

Lúc 10 giờ 22 phút ngày 22/4, khu vực các xã Phong Phú, Đa Phước, Qui Đức, Hưng Long thuộc huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) bị cúp điện đột xuất. Khoảng nửa tiếng sau điện được tái lập.

Trước đó, vào khoảng 20 giờ ngày 20/4, sự cố cúp điện đột ngột cũng diễn ra tại Bình Chánh gây mất điện tại xã Bình Hưng trong thời gian hơn hai giờ. Cũng trong ngày 22/4, khoảng 5 giờ sáng một sự cố cúp điện đột xuất cũng xảy ra kèm một tiếng nổ lớn tại khu vực phường Tân Thuận Tây, quận 7.

Theo phản ánh của người dân, trong những ngày qua, tình trạng cúp điện đột xuất vẫn xảy ra ở một số nơi ở TP Hồ Chí Minh và điều này khiến người dân lo ngại về tình trạng thiếu điện.

Tuy nhiên, đại diện các công ty điện lực nơi xảy ra sự cố cúp điện đột xuất khẳng định đây không phải do thiếu điện mà vì sự cố kỹ thuật bất khả kháng khiến ngành điện buộc phải cắt điện để đảm bảo an toàn và tái lập ngay khi có thể.

Chiều qua, 22/4, ông Phạm Quốc Bảo- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVN SPC) nói với Tiền Phong: “Hiện tại tuy chưa phải là lúc cao điểm nhất những cũng có thể dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ do phụ tải tăng đột biến dẫn đến mất điện ở một số nơi”. Ông cũng lo ngại: “Bên cơ quan dự báo khí tượng thủy văn cho biết năm nay mưa muộn nên có khả năng tình trạng nắng nóng sẽ gay gắt và nhu cầu sử dụng điện của người dân sẽ cao hơn”.

Theo ông Quách Lâm Hưng - Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất của EVN SPC, trong những năm gần đây, phụ tải khu vực miền Nam thường xuyên có tốc độ phát triển cao so với mặt bằng chung toàn quốc, đặc biệt tại các tỉnh có khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh,…. Ông Hưng dự báo, công suất đỉnh phụ tải của EVN SPC trong mùa khô năm nay có thể đạt tới 7.147MW.

“Với phụ tải như dự báo, hệ thống điện truyền tải sẽ vận hành căng thẳng do phải truyền tải công suất cao”- ông Hưng cho biết. Vì rằng, theo tiến độ các công trình nguồn mới năm 2014 thì miền Nam sẽ phụ thuộc vào nguồn điện từ miền Bắc và miền Trung thông qua đường dây 500kV và các đường dây cao thế khác.

“Mặc dù nguồn điện khó khăn và hệ thống điện vận hành căng thẳng, nhưng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là không điều hòa tiết giảm phụ tải”- ông Quách Lâm Hưng, Trưởng ban kỹ thuật sản xuất của EVN SPC nói.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, ngành điện đã làm việc với các khách hàng lớn về nhu cầu dùng điện, khả năng tiết giảm, huy động nguồn riêng, rà soát, đề xuất các phương án tiết giảm nhu cầu điện tập trung vào các hộ sử dụng nhiều điện như sắt thép, xi-măng… để dự phòng cho tình huống mất cân đối cung - cầu điện hệ thống điện miền Nam.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.