Chuyến lưu diễn châu Âu đáng nhớ của NSƯT Bùi Công Duy:

Nâng niu từng giây, muốn kéo dài từng nốt nhạc

TP - Không biết bao nhiêu chuyến lưu diễn khắp thế giới trong sự nghiệp, nhưng chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân tới châu Âu là dịp may đối với NSƯT Bùi Công Duy - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - cùng đoàn nghệ sĩ. Anh trò chuyện với Tiền Phong về sự nâng niu, trân trọng từng phút được chơi nhạc trong chuyến lưu diễn đặc biệt này.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi thư khen đoàn nghệ thuật tháp tùng chuyến công du châu Âu vừa rồi ở Cộng hòa Áo và Cộng hòa Italia. Anh chủ trương thiết kế các chương trình biểu diễn ở mỗi quốc gia hoàn toàn khác nhau, như thế có phải là gây thêm áp lực cho nghệ sĩ? Làm thế nào để cân đối giữa nhạc cổ điển và nhiệm vụ giới thiệu âm nhạc dân tộc?

Nâng niu từng giây, muốn kéo dài từng nốt nhạc ảnh 1

Đoàn nghệ sĩ Việt Nam tháp tùng Chủ tịch nước công du châu Âu để lại dấu ấn Ảnh: NVCC

Khi nhận được thông tin về chuyến biểu diễn, tất cả đều rất lo lắng, vì tính chất của chuyến đi này mang sức mạnh rất lớn. Đây không chỉ là chuyến thăm của Chủ tịch nước mà còn đại diện cho hình ảnh đất nước Việt Nam, văn hóa Việt Nam thông qua âm nhạc. Để có được kế hoạch cho ba chương trình nghệ thuật truyền tải thông điệp về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam chúng tôi phải làm việc rất khoa học, nghiêm túc và may mắn nhận được sự hỗ trợ đúng lúc, sự chỉ đạo, định hướng cụ thể.

Nâng niu từng giây, muốn kéo dài từng nốt nhạc ảnh 2

NSƯT Bùi Công Duy được nhận học hàm giáo sư danh dự tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia

Ảnh: NVCC

Mục tiêu lần này không phải diện rộng mà đi vào trọng tâm, mũi nhọn. Đây cũng là một thế mạnh của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tôi cho rằng có một cuộc cách mạng khi chúng ta mạnh dạn đưa lĩnh vực âm nhạc hàn lâm - vốn không thuộc về chúng ta - đi biểu diễn. Nếu chúng ta chọn phương án an toàn là biểu diễn các tiết mục âm nhạc truyền thống, e chỉ chúng ta hiểu mà quốc tế chỉ hiếu kỳ mà thôi. Lần này chúng ta mang nhạc hàn lâm đi biểu diễn nhưng lồng ghép rất khéo léo với những gì đặc sắc nhất của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nhạc cụ Việt Nam, nhạc cụ truyền thống nhưng lại phối kết hợp với âm nhạc hàn lâm rất thú vị. Đây cũng là một cách tiếp cận khiến nước bạn dễ hiểu hơn, bởi các nước phương Tây phần lớn họ nghe nhạc giao hưởng.

“Thông điệp đầu tiên chúng ta muốn truyền tải là Việt Nam có thể chơi được âm nhạc hàn lâm. Thứ hai là sự kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống với âm nhạc hàn lâm. Thứ ba chính là sự tự tin, tự hào rằng chúng tôi đạt được trình độ chung của quốc tế. Mình không dám so sánh với ai nhưng nghệ sĩ Việt hoàn toàn chơi với tâm thế không có gì để xấu hổ” NSƯT Bùi Công Duy

Việc mạnh dạn đưa nhạc thính phòng ra biểu diễn ở nước ngoài là một bước đột phá. Đây cũng lần đầu chúng ta làm việc này lại trong một chuyến đi cấp quốc gia. Tuy thời gian không nhiều nhưng chúng tôi đã hoàn thành khá tốt mục tiêu đề ra. Ngôn ngữ âm nhạc có sức mạnh to lớn. Ngôn ngữ âm nhạc đã bao hàm tất cả, đưa những thông điệp từ trái tim đến trái tim nhanh nhất. Đây là khởi đầu rất thuận lợi cho Việt Nam.

Anh không xa lạ với những chuyến lưu diễn quốc tế, thậm chí là biểu diễn trước rất là nhiều khán giả, còn chuyến lưu diễn đặc biệt này có khiến anh thấy hồi hộp không?

Thực sự đây chuyến đầu tiên tôi đi với hai danh nghĩa: nghệ sĩ độc tấu - danh nghĩa quen thuộc - và trưởng đoàn. Chuyến đi rất áp lực. Chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, bởi các hoạt động của Chủ tịch nước rất dày đặc. Nhiệm vụ của chúng tôi là chuẩn bị các chương trình để khi đến nơi, xuống máy bay là diễn luôn và sau khi diễn xong lại lên máy bay tới nơi khác luôn. Chính vì vậy càng cần sự chuẩn bị rất kỹ, mọi phương án đều phải tính toán tỉ mỉ để nếu cần diễn thêm, hoặc có tình huống bất ngờ chúng tôi đều phải đáp ứng được.

Nâng niu từng giây, muốn kéo dài từng nốt nhạc ảnh 3

NSƯT Bùi Công Duy lần thứ hai được biểu diễn ở khán phòng Capella Paolina Ảnh: NVCC

Với tính chất của chuyến lưu diễn cũng khiến cho nghệ sĩ vừa hồi hộp, vừa căng thẳng. Tôi lo lắng vì biết rõ mình sẽ chơi như thế nào nhưng còn anh em nữa, còn những tình huống bất ngờ phát sinh. Rất may mọi thứ đều diễn ra theo hướng tốt nhất. Ba chương trình đều diễn ra trong khoảng một tiếng. Có chương trình mà đáng lẽ chỉ phải kéo dài 1 giờ đồng hồ, chúng tôi biểu diễn thêm thành gần 2 giờ vì khán giả quá thích.

Chuyến đi này là chúng tôi phải tự làm hết, các nghệ sĩ kiêm cả hậu đài kiêm cả... cửu vạn! Chúng tôi bê từng giá nhạc, thùng đàn nặng tới 25 kg, có những chiếc đàn rất to hai người cùng khiêng… Nghệ sĩ không đi theo chương trình hòa nhạc kiểu đúng giờ có người gọi ra, mang đàn ra cho diễn. Chuyến đi này khá vất vả, cần phải có thể lực, sức khỏe, nhiều người trong đoàn nằm đâu ngủ đấy để lấy sức, để thích nghi vì lệch múi giờ…

Trong ba chương trình ở châu Âu, cuộc biểu diễn nào để lại cảm xúc đặc biệt nhất với anh?

Mỗi chương trình đều có những màu sắc rất riêng, nhưng tôi thấy được hai vinh dự lớn trong chuyến đi lần này. Đó là vinh dự được quay trở lại phủ Tổng thống của Cộng hòa Italia. Có lẽ tôi là người Việt Nam đầu tiên có hai lần vinh dự vào đây sau 10 năm, được chơi nhạc dưới sự hiện diện của những người đứng đầu của hai quốc gia. Lần đầu tiên tôi chơi nhạc là năm 2013, khi đó có Tổng thống Giorgio Napolitano và phu nhân, Thủ tướng và các Bộ trưởng và hơn 400 đại biểu cấp cao tham dự. Lần này tôi tiếp tục có vinh dự biểu diễn cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân, Tổng thống Italia, các đoàn đại biểu của hai quốc gia.

Phải nói thật lòng tôi muốn được diễn thêm, kéo dài từng nốt nhạc vì khán phòng Capella Paolina quá đặc biệt. Khán phòng ấy một năm chỉ tổ chức hai sự kiện âm nhạc, những sự kiện được tổ chức ở đó phải rất đặc biệt. Có cơ hội biểu diễn ở đây là món quà quý giá, kỷ niệm khó quên trong cuộc đời, sự nghiệp của các nghệ sĩ. Việc biểu diễn ở khán phòng đặc biệt có chất lượng âm thanh tốt như vậy là những giây phút đầy trân quý không chỉ với tôi mà còn với toàn bộ anh em nghệ sĩ trong đoàn.

Chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước đã tạo cơ hội cho Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cá nhân tôi và các nghệ sĩ khác có một chuyến đi, có dịp được đặt chân vào khán phòng hàng đầu thế giới và được thể hiện tài năng của mình. Đây là điều rất quý giá và không phải lúc nào cũng có thể được vinh dự đó.

Anh nói nhiều về sự đón nhận và thành công của đoàn nghệ sĩ trình diễn âm nhạc hàn lâm ở phương Tây. Vậy còn bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện thế nào trong chuyến biểu diễn đặc biệt này?

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, văn hóa nói chung và âm nhạc hàn lâm có sự chuyển biến khá tích cực. Có lẽ đây là thời điểm đúng như Tổng Bí thư đã nói “Văn hóa còn, dân tộc còn”, chúng ta đã bám vào câu nói đấy, chủ trương đó. Chính vì vậy, sau khi chương trình khép lại, nhiều đại biểu muốn nghe thêm vì nhạc mục có sự mới mẻ. Thông điệp đầu tiên chúng ta muốn truyền tải là Việt Nam có thể chơi được âm nhạc hàn lâm. Thứ hai là sự kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống với âm nhạc hàn lâm. Thứ ba chính là sự tự tin, tự hào rằng chúng tôi đạt được trình độ chung của quốc tế. Mình không dám so sánh với ai nhưng nghệ sĩ Việt hoàn toàn chơi với tâm thế không có gì để xấu hổ. Chúng ta đã thể hiện được tinh thần cống hiến của người Việt Nam và thể hiện Việt Nam là đất nước yêu nghệ thuật, có văn hóa và hội nhập rất nhanh.

Cách đây 60 năm, đối với âm nhạc hàn lâm gần như chúng ta chưa có gì cả. Chúng ta có sự hội nhập rất nhanh và so với nhiều nước Đông Nam Á xung quanh, chúng ta phải tự hào vì dàn nhạc của ta hoàn toàn là người Việt. Đây cũng là sự độc đáo. Điểm mạnh của người Việt đó là sự nhạy cảm, cảm nhận âm nhạc rất...Tây. Chúng ta vẫn khoe những cái đẹp đẽ của Việt Nam như tiếng đàn bầu, tiếng đàn T’rưng rất hay nhưng lại thông qua ngôn ngữ phương Tây.

Đầu năm nay anh được nhận học hàm giáo sư danh dự tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazhakhstan trao tặng. Gần như sau NSND Đặng Thái Sơn, Bùi Công Duy là trường hợp hiếm có được những vinh dự như vậy trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm. Anh có xem đó là dấu mốc trong sự nghiệp?

Có thể nói đây là vinh dự lớn lao, bởi điều đó thể hiện uy tín về nghề mà các đồng nghiệp quốc tế dành cho mình. Điều này có được là do sự nỗ lực dạy học, chấm thi nhiều năm, từ 2016 tôi đã dạy học ở đây. Họ có hội đồng khoa học, đúng dịp lễ kỷ niệm 25 năm ngôi trường này mới có đợt phong tặng đặc biệt. Dịp này họ chỉ xét ba người, trong đó có Giám đốc Nhạc viện Tchaikovsky - Alexander Sololov - nguyên Bộ trưởng Văn hóa Nga. Tôi may mắn được tạo điều kiện để có sân chơi và được quốc tế biết đến. Tôi xem đây cũng là cơ hội để mình làm được nhiều việc lớn hơn, đóng góp nhiều hơn.

Cảm ơn và chúc mừng anh!

Khán phòng Capella Paolina hôm 26/7/2023 chứng kiến chương trình biểu diễn kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Italia. Nghệ sĩ Việt Nam thể hiện đẳng cấp quốc tế, sự tự tin. NSƯT Bùi Công Duy trình diễn giao hưởng Mùa hè - trích tổ khúc Bốn mùa của Vivaldi. Nghệ sĩ opera Phạm Khánh Ngọc thể hiện hai Aria nổi tiếng của Italia. Chương trình còn ghi dấu ấn với Miền Nam quê hương ta ơi của NSƯT Lệ Giang, Vũ khúc Tây Nguyên của NSƯT Nguyễn Thị Hoa Đăng đưa nhạc cụ dân tộc kết hợp với nhạc giao hưởng.

Chương trình trong lâu đài Esterhazy (Áo) kéo dài thêm 40 phút để đáp lại sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Nghệ sĩ Việt thể hiện âm nhạc của Haydn, F.Kreisler, J.Massenet, E.Elgar, J.Brahms và các tiết mục độc đáo của Việt Nam như Ru con, song tấu T’rưng, Việt Nam quê hương tôi.