Nâng giá điện bằng cách tăng thuế VAT?

Nâng giá điện bằng cách tăng thuế VAT?
TP - Thạc sỹ Vũ Xuân Thuyên - Chuyên viên cao cấp Bộ Kế hoạch - Đầu tư - không đồng tình tăng giá điện vào thời điểm này. Theo ông, "người tiêu dùng sẽ vui lòng trả thêm tỷ lệ thuế hơn là tăng giá điện".
Nâng giá điện bằng cách tăng thuế VAT? ảnh 1

Thưa ông, Bộ Công nghiệp đưa ra 4 phương án tăng giá điện để lấy ý kiến các bộ, ngành, người dân… Nếu phải chọn một thì phương án nào theo ông là tốt nhất?

Tôi không đồng tình cách đặt vấn đề tăng giá điện vào thời điểm này. Năm 2006 là năm diễn ra sự kiện lớn như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10, Việt Nam (VN) gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nước hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Việc tăng giá điện cần được xem xét và cân nhắc kỹ. Truớc hết, xét về mục tiêu tăng giá điện. Tăng giá để bù đắp chi phí thực tế của hoạt động sản xuất kinh doanh, hay tăng để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư cho các công trình điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010.

Dù với mục tiêu nào thì chúng ta đều thấy, mới đây Bộ CN từng đề nghị tăng giá điện, nhiều hộ tiêu dùng đã không đồng tình, sau đó Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo không tăng giá điện.

Nhưng theo ngành điện, nếu không tăng giá họ sẽ rơi vào tình trạng mất cân đối thu chi, không có vốn đầu tư để duy trì sản lượng điện đảm bảo cho phát triển KT-XH?

Đúng là có việc tìm nguồn vốn đầu tư các công trình điện trong đó có cả duy tu, bảo dưỡng các công trình điện, các hệ thống truyền tải điện hiện có gặp khó khăn.

Theo ước tính hằng năm, riêng ngành điện cần lượng vốn đầu tư 25 - 30 nghìn tỷ đồng. Nhưng thiếu vốn thì phải bán trái phiếu vay nợ trong dân chứ không phải tăng giá điện.

Trước mắt, sẽ hợp lý hơn khi xem lại một số thông tin về ngành điện: Hiện nay, đối tượng tiêu dùng điện có: Công nghiệp (chiếm khoảng 45% sản lượng điện toàn quốc); Dịch vụ (khoảng 17,5%) và dùng điện cho sinh hoạt (37,5%).

Các ý kiến của người dân, khách hàng sử dụng điện lớn, các chuyên gia có thể gửi đến Bộ Công nghiệp thông qua 4 kênh:

1 -  Ủy Ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam;

2 - Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (tổ chức đại diện cho quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam);

3 - Đại diện một số khách hàng sử dụng điện lớn;

4 - Trực tuyến trên trang web của Bộ Công nghiệp www.moi.gov.vn

Năm 2005, ngành điện lãi 2.000 tỷ đồng; thực tế giá thành sản xuất điện tại Thủy điện Hoà Bình khoảng 300 đồng/KWh (xấp xỉ 2 cent), các nhà máy nhiệt điện khác giá khoảng 640 đồng/KWh (xấp xỉ 5 cent).

Khi tính toán giá bán điện 550 đồng/KWh (điện sinh hoạt cho 100 KWh đầu tiên) như hiện nay là đã tính các yếu tố đầu vào.

Trong đó có khấu hao hệ thống truyền tải điện, tỷ lệ tổn thất điện năng, chi phí quản lý và lãi định mức của ngành điện…

Như vậy, nếu thực sự thấy phải tăng giá điện do tính đúng, tính đủ các chi phí để bù vào khoản lỗ do bán điện cho dân dưới mức giá thành thì Bộ CN phải thông báo công khai cách tính giá điện, có ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giá (Cục Quản lý giá - Bộ Tài Chính).

Bên cạnh đó, phải nêu kèm ý kiến của ít nhất một số tổ chức hoặc cơ quan khác có tính độc lập tương đối như (Hiệp hội Người tiêu dùng VN; Liên hiệp các hội KH-KT, thậm chí thuê tư vấn nước ngoài thẩm định).

Nếu tăng giá điện thì hàng hóa, doanh nghiệp và cả nền kinh tế cũng giảm sức cạnh tranh. Tăng giá điện lần này sẽ tác động đến sản xuất ra sao, thưa ông?

Chi phí tiêu thụ điện là một yếu tố chi phí đầu vào cấu thành giá của bất kỳ sản phẩm hàng hóa nào, chỉ khác nhau về tỷ lệ ít hay nhiều. Giá điện tăng đương nhiên làm tăng giá bán sản phẩm.

Vậy nên rất cần có báo cáo nghiên cứu về tác động tốt, xấu đối với sản xuất, sinh hoạt của người dân khi tăng giá điện; các thông tin về đầu tư của ngành điện; mối tương quan giữa giá điện với tăng trưởng và thu nhập thực tế của người dân… Ngoài ra, ý kiến chính thức của các Tổng Cty nhà nước cũng rất quan trọng.

Nếu phải tư vấn cho Chính phủ về giá điện, ông sẽ tư vấn thế nào?

Ngày 20/3 sẽ mời lãnh đạo Bộ CN, EVN trả lời về tăng giá điện

Tại cuộc họp báo về Ngày Quyền của người tiêu dùng với chủ đề “Năng lượng cho mọi người” diễn ra ngày 13/3, TS Đinh Thị Mỹ Loan - Cục trưởng Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) - cho biết, ngày 20/3, Cục Quản lý cạnh tranh chính thức mời lãnh đạo Bộ CN, EVN dự hội thảo xung quanh việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và trả lời về việc tăng giá điện.

TS  Loan cho biết, sẽ đề nghị các cơ quan chức năng trên cung cấp thông tin đầy đủ xung quanh việc tăng giá điện, vì đây là quyền của người tiêu dùng. GS.TS Nguyễn Thiện Phúc - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng (đơn vị được mời lấy ý kiến về tăng giá điện) -cũng cho Tiền phong biết, Hội cũng đang lắng nghe và chuẩn bị để tổ chức các cuộc hội thảo xung quanh việc tăng giá điện.

Hội sẽ nghiên cứu xem xét liệu có còn phương án nào khác 4 phương án tăng giá đưa ra hay không để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Minh Tin ghi

Cần xem xét lại việc tăng giá điện trong thời điểm hiện nay. Nếu thực tế phần bán điện sinh hoạt cho dân cư là lỗ, phải bù chéo thì tìm kiếm giải pháp như: Rà soát lại hệ thống quản lý, giảm thất thoát điện năng và có thể tăng thuế VAT thay vì 10% trong mỗi hóa đơn tiền điện như hiện nay.

Tôi nghĩ, người tiêu dùng vui lòng trả thêm tỷ lệ thuế này hơn là tăng giá điện tiêu dùng. Phương án này rất hợp lý bởi người dùng nhiều điện hơn thì đóng thuế VAT nhiều hơn.

Việc này cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trong quá trình soạn thảo Quyết định 155/2004 (24/8/2004) của Thủ tướng về ban hành tiêu chí danh mục phân loại Cty nhà nước và Cty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng Cty nhà nước, chúng tôi tranh luận nhiều về việc Nhà nước có nhất thiết phải giữ 100% vốn trong các lĩnh vực sản xuất điện, xi măng và một số ngành khác không.

Kết quả là đa số chuyên gia đều đồng ý không nên giữ 100% vốn mà còn cần mở ra hướng đa dạng hóa sở hữu các cơ sở sản xuất điện năng. Nhà nước chỉ nên giữ 100% vốn với hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Các nhà máy sản xuất điện sắp tới cần cổ phần hóa, trong đó cổ đông là công chúng, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Phát hành trái phiếu công trình điện cụ thể sẽ thu hút sự hưởng ứng của người dân thay vì tăng giá, vì dân mua trái phiếu sẽ có cổ tức, còn Nhà nước thì có vốn đầu tư. 

Q. Thành thực hiện

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Đổ Minh Điền VP UBND tỉnh Kiên Giang

Theo tôi tăng giá điện cũng được, nhưng ngành điện cần phải công bố chi phí giá thành SXKD công khai rộng rãi cho người sử dụng điện biết, hàng năm phải công khai báo các tài chính đã được kiểm toán để người sử dụng điện biết, chi phí tăng giá điện sử dụng vào mục đích gì?

Vì nhân viên ngành điện hưởng lương theo kinh doanh, nhưng kinh doanh độc quyền do nhà nước bảo hộ. Theo mức lương của nhân viên điện lực hiện nay cao hơn lương khối hành chính rất nhiều, do đó người sử dụng điện có tâm lý là ngành điện tăng giá điện nhằm tăng lợi nhuận trích qũy phúc lợi và tăng lương cho nhân viên theo lợi nhuận và doanh thu hàng năm của ngành, như thế sẽ không công bằng trong việc thu nhập của toàn xã hội.

Trần Nam; Email: Vangdncp@yahoo.com

Theo tôi tăng giá điện cũng được, nhưng ngành điện phải đưa ra con số chi phí sản xuất và kinh doanh điện cụ thể. Chứ hiện nay ngành nói thế nhưng chưa chắc đã chí phí cao như thế.

Cần phải có cơ quan giám sát rất kỹ đối với các ngành độc quyền của nhà nước. Theo tôi không nên để các ngành muốn làm gì thì làm rồi đẩy người tiêu dùng phải chịu.

Còn tăng giá điện cần phải được thoả thuận với người tiêu dùng chứ không thể nói tăng để bù đắp chi phí. Rất mong báo chí cần lên tiếng về việc này nhất là TPO.

Lê Trung Viên; Email: letrungvien2004@yahoo.com

Theo ý kiến của tôi, Nhà nước không nên bao cấp về giá điện cho sinh hoạt ở thành thị khi mà mức sống, hưởng thụ văn hóa vật chất cao hơn những nơi khác (anh sử dụng nhiều thì phải trả theo bậc thang cao hơn).

Đây là điều thiết thực với từng hộ gia đình nên họ phải tự suy nghĩ tiết kiệm, chứ hô hào tiết kiệm không ích gì?

Chỉ bao cấp về giá cho các vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu. Còn lĩnh vực sản xuất thiết nghĩ khi tăng giá điện các doanh nghiệp lại đưa vào giá thành sản phẩm người tiêu dùng lại chịu cũng thế.

Hoà Minh Tân; Email: hoaminhtan05@yahoo.com

Tôi cũng đồng tình việc tăng thu cho ngành điện bằng cách tăng thuế. Như vậy Nhà nước dùng thuế để tăng thu và đầu tư trở lại cho ngành điện nếu ngành điện có chuyển biến và cải cách tốt.

Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân để giải thích cho việc ngành điện lỗ vốn, nhưng tại sao ngành điện không khắc phục những yếu kém trong hệ thống quản lý của mình như: Tỷ lệ thất thoát quá cao, lương bổng cao và biên chế cồng kềnh kém hiệu quả.

Nhà nước nên mạnh dạn xã hội hoá ngành điện.

Nguyễn Bá Nghị; Email: nguyenbanghicamau@yahoo.com

Theo tôi biết, giá đện của Việt Nam cao nhất trong khu vực. Vậy mà Bộ Công nghiệp lại liên tục đòi tăng giá điện. Lý do đưa ra để tăng giá điện theo tôi là không thuyết phục.

Một nghịch lý nửa là ở các nước sử dụng điện càng nhiều thì giá điện càng rẻ, còn ở ta thì ngược lại. Tôi chắc rằng đa số người dân sẽ không đồng tình với Bộ Công nghiệp về việc tăng giá điện.

Nếu ngành nào thiếu tiền đầu tư cũng làm tương tự như ngành điện thì người dân sống ra sao?

LeTho

Tôi không phải là nhà kinh tế, cũng không phải là "Dân Điện lực" cho nên không có cái nhìn sâu xa về việc tăng giá điện. Với góc nhìn nhỏ bé của mình Tôi chỉ có đôi lời về việc đề nghị tăng giá điện của Bộ Công nghiệp. 

Chẳng lẽ, cứ thu không bù chi thì lại tăng giá? Trong khi việc tăng giá điện ảnh hưởng rất lớn đến các ngành kinh tế khác. Vậy, để một ngành "Sống" hay toàn nền kinh tế Quốc gia lao đao thì việc nào quan trọng hơn? 

Tôi thấy nói nhiều là chi phí cao do tổn thất nhiều, vậy tổn thất ở đâu? Vì sao ngành điện lại để cho tổn thất nhiều và kéo dài mãi thế? Tôi nghe nói tổn thất truyền tải điện khoảng 10%, nhiều nơi còn cao hơn rất nhiều, cứ tính 10% thì 1 năm thì là bao nhiêu KW? Nhiều lúc chợt nghỉ phải chăng trái đất nóng dần lên phải chăng do toàn bộ hệ thống dây tải điện được đốt nóng?

Theo tôi được biết thì hiện tại trên lưới tải điện, hệ thống các trạm biến áp, đặc biệt là lưới trung thế có những tuyến vài chục năm nay chưa được cải tạo, thay thế hoặc có cũng chỉ là khắc phục sự cố nên chất lượng điện cung cấp cho khách hàng quá kém.

Như chúng tôi thường đùa, trời chưa hắt xì hơi (mưa, giông) là đã mất điện. Vậy Ngành điện đã có kế hoạch nâng cấp chống tổn thất chưa, hay lại bài ca thiếu vốn rồi tăng giá? 

Xét về mặt công nghệ thì Điện lực trăm năm nay vẫn vậy. Trong khi các ngành khác, ví dụ như Điện tử, Viễn thông, Tin học công nghệ thay đổi từng ngày. Chắc chắn là các ngành này liên tục phải đầu tư thay đổi công nghệ để theo kịp thế giới (theo tôi được biết thì mạng viễn thông của VN đang sử dụng thuộc hàng hiện đại nhất) vậy mà giá thành của họ lại giảm liên tục.

Dưới góc nhìn của một khách hàng, tôi có đôi lời như vậy mong rằng sẽ được nghe và đọc nhiều ý kiến khác phân tích sâu hơn và cuối cùng là quyết định tăng hay không tăng giá điện của Chính phủ.

ndhai; Email: ndhai@thanhtra.gov.vn

Tôi rất đồng tình với phân tích của thạc sỹ Vũ Văn Thuyên. Khi tăng giá bán điện Bộ Công nghiệp phải phân tích giá thành sản xuất 1 kw điện là bao nhiêu; trong đó tổn thất điện năng là bao nhiêu, quản lý yếu kém là bao nhiêu, lãng phí là bao nhiêu.

Nhu vậy ngành điện phải khắc phục, chứ không tính vào giá thành bắt người dân phải gánh chịu sụ quản lý yếu kém của co quan quản lý.

Nguyễn Văn Hạnh; Email: Hanhdlqk5@vnn.vn

Tôi đồng tình với lập luận của thạc sĩ Bùi Xuân Thuyên là nếu cần tăng giá điện để có nguồn vốn đầu tư phát triển ngành điện thì nên áp dụng chính sách tăng thuế VAT sử dụng điện.

Nhà nước không nên nắm 100% vốn doanh nghiệp sản xuất điện, mà cần huy động thêm vốn của các thành phần kinh tế khác để tránh thế độc quyền của ngành điện, tăng tính cạnh tranh, để có lợi cho người tiêu dùng.

Bùi Văn Thịnh; Email: quocthinh027@yahoo.com

Điện cũng là một loại hàng hoá, nhưng đây là hàng hoá đặc biệt liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế đó xã hội và toàn thể nhân dân.

Giá điện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố đầu vào, nhất là đối với nhiệt điện, bao gồm giá nguyên nhiên liệu và nhân công.

Trong những năm qua, tiền lương tối thiểu của công nhân viên đã tăng từ 290.000 đ lên 350.000đ (tăng 20%); giá dầu thế giới tăng từ 25 USD lên 60 USD/thùng (tăng hơn 2 lần).

Vì thế, điện phải tăng giá là điều dễ hiểu và có thể chấp nhận được, cũng như xăng dầu trong nước từ 3.000 đ/lít giờ đã là 10.000đ/lít mà có ai kêu ca gì đâu, dù tiền xăng hàng tháng phải trả đôi khi còn nhiều hơn tiền điện.

Tuy nhiên cách tăng như thế nào, tăng bao nhiêu phần trăm thì cần phải cân nhắc sao cho tối ưu nhất. Theo tôi, ảnh hưởng nhất đối với mọi việc tăng giá (nói chung) là tầng lớp nông dân và dân nghèo thành thị, mà thường họ tiêu thụ điện chỉ khoảng trên dưới 100 KWh/tháng/hộ; do vậy cần phải lấy mức tăng ít nhất cho mức têu thụ này.

Nguyen Truong Son; Email: hoasibutsat@yahoo.com

Mấy năm nay, việc tăng giá điện luôn là đề tài được mọi người quan tâm. Phần lớn ý kiến phản đối việc tăng giá. Riêng tôi, tôi đồng ý tăng giá; nhưng cân nhắc tăng ra sao, vào đối tượng nào.

Tăng để mọi người có ý thức sử dụng tiết kiệm, nhất là người giàu và khá giả ở các thành phố lớn (TP HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội). Ở các thành phố lớn, chúng ta không lạ gì những biệt thự hoặc toà nhà lộng lẫy (tư nhân) sử dụng ánh sáng quá mức cần thiết, máy lạnh hàng chục chiếc và vô số thiết bị điện... mà chỉ phải trả tiền điện với giá 550 đ/kw.

Một hộ trung lưu ở TP HCM cũng xài hết 200 - 500 kw/tháng, trong khi ở vùng nông thôn Thái Bình, phần lớn người dân chỉ dám dùng 1 bóng đèn 40 w, chưa nói đến vùng sâu, vùng xa. Vậy thì giá điện của ta có phục vụ chính sách xã hội không? 

Ở quê tôi, người nông dân đang phải trả tiền điện với giá 900 đ/kw đấy. Nói thế này thì nhiều người sẽ bảo tôi lẩm cẩm, xài nhiều thì trả tiền nhiều chứ có sao đâu! Thoạt nghe thì cũng có lý, nhưng lý đó chỉ đúng khi giá bán cao hơn giá thành thôi. Giá bán của ta cực kỳ thấp so với giá thành.

Điện sản xuất từ khí, nhà nước phải mua 2000 đ/kw; điện chạy diezen nghe đâu cũng phải 2500 - 3000 đ/kw. Ta chỉ trông chờ vào thuỷ điện với giá 300 đ/kw.

Nhưng TP HCM và các tỉnh phía Nam thì xa nguồn thuỷ điện, chủ yếu là nguồn nhiệt điện từ khí. Vậy , cứ 1 kw điện, Nhà nước phải bù vào khoảng 1500 đồng. Với mức tiêu thụ 15 tỷ kw cho sinh hoạt 1 năm, Nhà nước đã phải bù cho dân TP HCM 22.500 tỷ đồng. Số tiền này lớn bằng nửa tổng thu ngân sách của TPHCM 1 năm rồi đó!

Hồng Hà

Tôi đồng tình với lập luận của thạc sĩ Bùi Xuân Thuyên là nếu cần tăng giá điện để có nguồn vốn đầu tư phát triển ngành điện thì nên áp dụng chính sách tăng thuế VAT sử dụng điện. Ai dùng nhiều thì phải trả thuế nhiều, như vậy là khá chính xác, chứ đưa ra 4 phương án như Bộ Công nghiệp thì rất khó hiểu, người dân khó chấp nhận.

Nguyen Thi An

Theo tôi việc tăng thuế VAT thay cho tăng giá điện (nếu là cần thiết) thì cũng là hợp lý, nhưng mức tăng như thế nào cho hợp lý mới là việc cần bàn. Anh không thể dựa vào ý kiến cũng như sự đồng ý của cấp trên mà tự ý tăng giá một cách tùy tiện. Như vậy sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu sinh hoạt của người dân - nhất là người dân nông thôn .

Vũ Đức Quang; Email: vdquang@hn.vnn.vn

Tôi đồng ý với ý kiến của thạc sỹ Vũ Văn Thuyên. Trong thời điểm hiện nay, nếu cần tăng giá điện thì không nên sử dụng bất kỳ phương án nào trong 4 phương án mà Bộ Công nghiệp đã đưa ra, mà nên tăng thuế VAT.

Như vậy kết quả sẽ tăng giá điện đồng đều cho tất cả các đối tượng chứ không "ưu tiên" hơn hay "làm thiệt thòi" hơn cho bất cứ người tiêu dùng nào.

Để giải quyết triệt để việc thiếu hụt điện năng dẫn tới việc tăng giá điện, cần tránh tình trạng biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Nhà nước không nên nắm 100% vốn doanh nghiệp sản xuất điện, mà cần huy động thêm vốn của các thành phần kinh tế khác.

Duc Ha; Email: duchakh@yahoo.com

Tôi đồng ý với ý kiến mà toà soạn đưa ra. Theo tôi đây là giải pháp khả thi nhất.

Thứ nhất, hiệu quả đầu từ của ngành điện chưa thật sự tiết kiệm để người dân thông cảm, có sự lãng phí.

Thứ hai, giá điện hiện này được đánh giá là cao nhất khu vực.

Thứ ba, thu nhập của người Việt Nam khoảng 600 USD/năm, trong khi ở nước ngoài từ 2.000 - 20.000 USD/năm, vậy mà các nhà quản lý điện bắt người dân tiêu dùng điện với giá quốc tế.

Thứ tư, giá cả tiêu dùng ngày một leo thang. Nếu tăng giá điện sẽ tạo sức ép đối với người dân.

MỚI - NÓNG