Ngày đầu năm mới, chúng tôi tìm đến gia đình 5 công nhân trong vụ sập hầm hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (tại thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), chủ yếu ở tỉnh Nam Định và Hà Nam. Hầu hết mọi người đều đang sum họp bên mái ấm gia đình những ngày đầu năm mới 2015. Với họ có lẽ đây là cái Tết Dương lịch ý nghĩa nhất từ trước đến nay. Người thì mở tiệc mừng thoát nạn, người thì bà con lối xóm đến nhà chúc mừng.
Huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nơi có 4 công nhân bị mắc kẹt trong hầm Đạ Dâng. Đến xã Yên Thọ, hỏi thăm nhà anh Nguyễn Văn Hường (SN 1984) và anh Hoàng Đình Thịnh (18 tuổi), 2 công nhân trong vụ sập hầm, từ đầu làng đến cuối làng ai ai cũng biết, nhiều người nhiệt tình dẫn đến tận nơi.
Từ lúc trở về nhà đến nay, nhà anh Hường lúc nào cũng đông đúc bà con lối xóm, họ qua nhà anh chúc mừng anh “tai qua nạn khỏi”. Anh Hường cũng mới về quê được mấy ngày nay, sức khỏe cơ bản cũng đã hồi phục, chỉ có tay trái của anh vẫn run run.
Nhớ lại 4 ngày trong hầm tối, anh Hường vẫn chưa hết rùng mình: “Khi tổ chúng tôi vào làm thì bất ngờ xảy ra sự cố, 4 ngày ấy dài đằng đẵng, mỗi phút trôi qua tôi lại thấy hi vọng dần tắt. Cái ngày ấy tôi sẽ không bao giờ quên được”.
Về quê, ai cũng làm mâm cơm mời bà con, hàng xóm đến chung vui, trong ngày thoát kiếp nạn.
Bà Trần Thị Hằng (70 tuổi) - mẹ anh Hường cho biết: “Lúc nghe tin nó bị tai nạn, cả nhà ôm nhau khóc, lo lắm mà sức khỏe tôi thì yếu nên không vào được, chỉ nghe qua tivi để xem công tác cứu hộ đến đâu. May mà nhờ có Đảng, Nhà nước hết sức cứu giúp con tôi mới được cứu”.
Sau khi anh Hường trở về quê, gia đình bà Hằng làm 20 mâm cơm mời tất cả bà con, lối xóm đến, cảm ơn mọi người đã động viên, chia sẻ gia đình trong lúc khó khăn hoạn nạn. Mặc dù đã lành lặn trở về nhà an toàn, nhưng anh Hường vẫn bị ám ảnh, nhiều đêm anh mơ ngủ mình vẫn bị kẹt trong hầm, rồi lại hét toáng lên khiến cả gia đình giật mình.
Nói về dự định của mình, anh Hường cho biết: “Trước mắt tôi sẽ ở nhà nghỉ cho khỏe hẳn, có lẽ là sau Tết Âm lịch tôi mới tính tiếp chuyện công việc. Cũng không dám chắc là sẽ đi làm công nhân đào hầm nữa. Nhưng hiện tại thì tôi muốn dành thời gian cho vợ, con và gia đình mình”.
Cũng như gia đình anh Hường, anh Hoàng Đình Thịnh, Hoàng Ánh Văn (24 tuổi), ở xã Yên Chính và Nguyễn Tiến Đoàn (25 tuổi), ở xã Yên Hưng. Gia đình người nào cũng đông đúc từ lúc họ từ Lâm Đồng trở về quê.
Anh Nguyễn Tiến Đoàn chia sẻ về dự định của mình.
Trong số 3 công nhân trên, anh Hoàng Đình Thịnh là người trẻ nhất, vốn là con thứ 3 trong gia đình nghèo, vừa tốt nghiệp THPT xong anhThịnh đã xin gia đình đi làm đỡ đần phần nào kinh tế. Nhìn anh Thịnh nét mặt tiều tụy, đờ đẫn như người mất hồn, chàng thanh niên trẻ ấy có lẽ bị áp lực rất lớn khi đối mặt với nỗi sợ hãi quá lớn.
Ông Hoàng Đình Cường, bố anh Thịnh chia sẻ: “Từ nhỏ tới giờ Thịnh chưa phải làm việc gì nặng nhọc, cũng chưa bao giờ đi xa, không ngờ lần đầu đi làm đã gặp “tai nạn khủng khiếp”. Bao nhiêu ngày con mắc kẹt trong hầm cũng là bấy nhiêu ngày chúng tôi không ăn, không ngủ, đến hôm thông được hầm, nghe thấy cả xóm hô vang “thông hầm rồi” , “thông hầm rồi”…thì vợ tôi mừng quá ngã quỵ xuống”.
Anh Thịnh chia sẻ: “Bà con lối xóm họ đến nhà em đông lắm anh ạ, họ chúc mừng rồi hỏi han em, nhưng từ khi trở về em ngủ li bì, tinh thần em vẫn lo sợ, mặc dù ngủ nhưng lại không ngon giấc, vụ tai nạn lúc nào cũng ám ảnh em”.
Phía gia đình ông Cường cho biết, hiện tại anh Thịnh đã có danh sách gọi nhập ngũ đợt này nên gia đình bà muốn cho con đi bộ đội trước khi tính đến chuyện công việc tương lai.
Anh Hường hạnh phúc bên vợ con mình.
Nhà của hai công nhân Hoàng Ánh Văn và Nguyễn Tiến Đoàn cũng tấp nập hàng xóm người ra người vào. Họ vui mừng vì người con quê hương thoát nạn trở về bình an. Khắp làng đều bàn tán về các công nhân thoát nạn. Dù sức khỏe hai người đều đã ổn định, nhưng tinh thần vẫn còn hoang mang, nhất là trong giấc ngủ. Riêng anh Nguyễn Tiến Đoàn, trước đây từng làm công nhân điện, hiện giờ anh cũng đang xem xét khả năng quay lại với nghề.
Cách huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định không xa, chừng khoảng 10km là gia đình anh Trương Tuấn Việt (SN 1984), ở thôn Thượng 1, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Từ khi anh Việt trở về nhà, không chỉ gia đình vui sướng, hạnh phúc bà con lối xóm, khi biết anh về đến nhà cũng kéo đến động viên, thăm hỏi và chúc mừng gia đình.
Anh Việt vẫn còn nhớ như in giây phút tai họa ập đến: “Lúc hầm bị sập, anh em vô cùng lo sợ, nhưng lấy lại bình tĩnh, lo sợ việc hầm tiếp tục bị sập nên phải tìm nơi ẩn nấp. Lúc này xung quanh đen như mực, mọi người dùng đèn pin soi khắp nơi tìm xem có lối thoát không nhưng vô vọng. Lúc này anh em chúng tôi vô cùng lo lắng, không biết có ai đến cứu không. Ngày thứ nhất, thứ 2, thứ 3 cứ thế trôi qua, dù cố động viên nhau, nhưng lúc ấy chúng tôi gần như tuyệt vọng. Nhưng cũng chẳng ai dám khóc mà cố kìm nén vì sợ mọi người không kìm được lòng mà mất bình tĩnh”.
Gia đình anh Việt vốn là gia đình khó khăn, thu nhập của hai vợ chồng chủ yếu là làm ruộng, vì thu nhập ít, thời gian nông nhàn nhiều nên anh Việt bắt đầu đi làm công nhân đào hầm cho công trình thủy điện. Lúc đầu anh làm ở công trình thủy điện Nậm Pông, tỉnh Nghệ An. Sau gần 2 năm ở Nậm Pông, anh Việt cùng tổ công tác của mình chuyển vào Lâm Đồng làm, nhưng vừa đầy 1 tháng thì xảy ra sự cố.
Anh Lê Văn Tình, hàng xóm anh Việt chia sẻ: “Tôi ở nhà xem qua tivi mà hồi hộp quá, hai tay cứ bám chặt lấy nhau cầu cho chú ấy tai qua nạn khỏi. Lúc nghe tin mọi người được giải cứu, cả thôn hô hào chạy đến nhà chú Việt chúc mừng. Thật là may mắn quá!”.
Dù đã thoát nạn, nhưng gia đình anh Việt không bao giờ quên cảm giác đáng sợ trong vụ sập hầm Đạ Dâng.
Mặc dù đã an toàn về đến nhà, nhưng nhiều đêm nằm ngủ anh Việt vẫn mơ thấy cảnh tượng trong hầm tối. Thực sự rất sợ hãi, giật mình tỉnh dậy toát hết mồ hôi hột. Thấy chồng nhiều lúc bật dậy, mồ hôi ướt đẫm, chị Phan Thị Hoa (SN 1983), vợ anh Việt lại động viên chồng cố gắng vượt qua.
Chị Hoa tâm sự: “Sức khỏe anh ấy bây giờ tốt hơn rồi, nhưng nhiều đêm vẫn mơ thấy ác mộng, gia đình tôi khó khăn, anh ấy đi làm xa 2 năm nay, đứa con thứ 2 gia đình tôi lại mắc bệnh động kinh, không đi làm cũng khó khăn, nhưng anh ấy quyết định sẽ ở nhà làm nông, nuôi thêm con bò làm vốn, dù khó khăn nhưng có vợ có chồng, còn đùm bọc nhau”.
Đối với người dân quê, tết Dương lịch cũng chẳng khác ngày bình thường là mấy. Nhưng với các công nhân trên, đây là cái Tết có ý nghĩa nhất từ trước đến nay. Về quê, ai cũng làm mâm cơm mời bà con, hàng xóm đến chung vui khi thoát kiếp nạn, dù nó không phải “mâm cao, cỗ đầy” nhưng với họ sự động viên, quan tâm của bà con lối xóm là niềm an ủi vô cùng lớn lao.