Vụ sập hầm Đạ Dâng: Liệu có phải “bất khả kháng”?

Chuyên gia Hoàng Khắc Bá nói: “Việc quy tội cho nền đất xấu là ngụy biện”. Ảnh: Đại Dương
Chuyên gia Hoàng Khắc Bá nói: “Việc quy tội cho nền đất xấu là ngụy biện”. Ảnh: Đại Dương
TP - Việc giải cứu những công nhân vừa kết thúc, chủ đầu tư phát biểu coi tai nạn như bất khả kháng. Ít ai biết, tại công trình này đã từng sụt lún và bị chính quyền địa phương nhắc nhở. Chủ đầu tư thi công khi chưa được phép thay đổi thiết kế.

Thi công khi chưa được phép thay đổi thiết kế


Ngày 23/12, các sở ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết, Cty CP Đầu tư và xây dựng điện Long Hội (Cty Long Hội) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 19/8/2009, là chủ đầu tư thực hiện dự án Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo với công suất lắp máy 23 MW, tổng mức đầu tư hơn 652 tỷ đồng. Công trình được chính thức khởi công năm 2009 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 12/2011. Tuy nhiên, sau đó, Cty Long Hội xin điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, sẽ phát điện cuối năm 2014.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Ngọc Hải cho biết, cuối năm 2013, lấy lý do địa chất yếu, lún sụt, Cty Long Hội xin thay đổi thiết kế.

Đầu năm 2014, UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho các ngành xem xét phương án đổi thiết kế này. “Do hồ sơ xin thay đổi thiết kế mà Cty Long Hội gởi đến Sở Công Thương chưa đảm bảo yêu cầu, nên Sở đã hướng dẫn cho họ làm lại. Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư phải bổ sung đầy đủ hồ sơ mới có thể xem xét vấn đề đổi thiết kế, nhưng họ cứ thế cho thi công luôn”, ông Hải nói. Sau khi kiểm tra hồ sơ, Trưởng phòng Quản lý điện năng Sở Công Thương Lê Phước Long, cho biết, ban đầu, công trình thủy điện này do Viện Thiết kế Thủy điện - Thủy lợi Nam Ninh (Trung Quốc) tư vấn thiết kế kỹ thuật, đến tháng 10/2013, Cty CP Đầu tư xây dựng và tư vấn thủy lợi điện lực (Hà Nội) tư vấn thay đổi thiết kế.

“Việc quy tội cho nền đất xấu là ngụy biện. Tôi đã từng làm nhiều công trình có nền đất xấu hơn. Rõ ràng, nhà thầu quá chủ quan và thiếu các biện pháp an toàn cần thiết”.

 Chuyên gia địa chất công trình nền móng Hoàng Khắc Bá

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế thủy điện Đạ Dâng từ phương án hầm dẫn nước sang phương án hầm dẫn nước kết hợp kênh dẫn nước. Căn cứ quy định hiện hành quản lý dự án đầu tư và cấp phép xây dựng, việc điều chỉnh thiết kế nêu trên phải được Sở Công Thương thẩm tra và Sở Xây dựng cấp phép trước khi thi công. Tuy nhiên, đến nay, khâu thẩm tra chưa xong và hồ sơ xin phép chưa được chuyển về Sở Xây dựng mà chủ đầu tư đã cho thi công công trình theo thiết kế mới. 

   

Theo tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, trước đó, các sở ngành chức năng và thanh tra tỉnh đã kiểm tra tại hiện trường và văn phòng dự án, qua đó phát hiện công tác lưu trữ hồ sơ còn thiếu so với quy định; hồ sơ năng lực của đơn vị thiết kế, thi công, giám sát chưa đáp ứng và đã yêu cầu chủ đầu tư bổ sung theo quy định.

Mặt khác, bằng mắt thường nhận thấy nền địa chất của hầm dẫn nước yếu nên đoàn kiểm tra đề nghị cần chú ý việc gia cố và xử lý theo đúng quy định để tránh xảy ra sự cố trong quá trình thi công, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

Hầm từng sụt 

Trong buổi họp các ban ngành của tỉnh Lâm Đồng rút kinh nghiệm về công tác cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lạc Dương, Lâm Đồng), ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Tổng Cty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) - Cty mẹ của Cty CP Đầu tư và Xây dựng Điện Long Hội (chủ dự án thủy điện Đạ Dâng), nói: “Sự cố sập hầm xảy ra là bất khả kháng, do yếu tố tự nhiên vì địa chất yếu, trời Lâm Đồng lại mưa kéo dài cả tháng. Không ai lường được địa chất phức tạp như vậy”.

Trên thực tế, địa chất tại khu vực dự án đều phải được khảo sát, khoan thăm dò trước khi thiết kế và thi công, nên không thể nói bất ngờ. Chưa kể, ít năm trước, hầm Đạ Dâng cũng từng sụt lún; tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra và nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công khắc phục, đảm bảo an toàn hơn. 

Khi trực tiếp vào đường hầm, PV Tiền Phong chứng kiến có khoảng 3-4 vị trí được gia cố bằng bê tông (một số đoạn chưa gia cố). Những thanh sắt cỡ lớn chống thẳng, rồi chồng chéo, đan xen vào nhau, có thanh đâm thẳng vào lòng núi. 

Những thanh sắt này đều đã gỉ sét, một số xiêu vẹo. Điều này cho thấy chủ đầu tư, đơn vị thi công trước đó đã biết được mức độ nguy hiểm của vị trí này. Thậm chí, dư luận có quyền đặt nghi vấn vị trí này từng xảy ra sạt lở (nên được gia cố để khắc phục).

Chính ông Thăng đã thừa nhận, hầm sụt do đất cát chảy theo các khe hở cốp pha bằng gỗ thi công từ 10 tháng trước nay đã bị mục nát. Tại sao một công trình quan trọng, địa chất yếu, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đã được cảnh báo lại đưa cả gỗ vào chống hầm. Chưa đặt vấn đề gỗ có được phép sử dụng gia cố hầm hay không, nếu được phép, sau 10 tháng dừng thi công, khi thi công lại, phải kiểm tra kỹ. 

Trong cuộc họp báo, các lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng khẳng định, chỉ cần nhìn vào hầm đã thấy có vấn đề, đặc biệt tại vị trí xảy ra sụt hầm.

“Ngụy biện”

Ông Đinh Sỹ Quát, chuyên gia của Hiệp hội Đập lớn Việt Nam, phân tích: Với nền đất yếu, chủ đầu tư phải có biện pháp chống đỡ an toàn hơn. Việc chủ đầu tư chống đỡ hầm bằng vật liệu gỗ rẻ và nhanh nhất. Tuy nhiên, việc chống đỡ gỗ chỉ là tạm thời và ngay sau đó phải đổ bê tông cứng. 

Ngoài vật liệu chống đỡ bằng gỗ, chủ đầu tư có thể sử dụng vật liệu thay thế như: thép, sắt. Tuy nhiên, hai loại vật liệu này đắt và tốn kém hơn gỗ. “Ở đây, có thể chủ đầu tư sử dụng việc gia cố bằng gỗ quá ít. Trong quá trình thi công, nhà thầu không chú ý đến những việc gia cố cũ mà tiếp tục thi công dẫn đến sự cố sập hầm”, ông Quát nói.

Ông Hoàng Khắc Bá, chuyên gia địa chất công trình nền móng (Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng), nói: “Việc quy tội cho nền đất xấu là ngụy biện. Tôi đã từng làm nhiều công trình có nền đất xấu hơn. Rõ ràng, nhà thầu quá chủ quan và thiếu các biện pháp an toàn cần thiết”.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Trong mọi trường hợp, chủ đầu tư và các nhà thầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng công trình đối với các phần việc do mình thực hiện. Sau khi có kết quả điều tra nguyên nhân sự cố, phải phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia quản lý và thực hiện các hoạt động xây dựng có liên quan đến công trình này. 

Sau khi phân định rõ trách nhiệm, sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan theo quy định của pháp luật. Chủ đầu tư và các nhà thầu phải khắc phục các hậu quả theo quy định của pháp luật trước khi cơ quan có thẩm quyền xem xét việc có cho phép tiếp tục thực hiện dự án hay không”.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật là Viện Thiết kế Thủy điện - thủy lợi Nam Ninh (Trung Quốc); nhà thầu tư vấn thiết kế hiệu chỉnh thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công thì Cty CP Đầu tư xây dựng và tư vấn thủy lợi điện lực; nhà thầu tư vấn giám sát thi công là Cty CP Tư vấn Nhật Thăng - VNT6. Nhà thầu thi công hạng mục hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng, ban đầu do Cty CP Xây dựng Lũng Lô 2 triển khai, sau đó chuyển sang Cty CP Xây dựng Công trình ngầm (Vinavico) thực hiện đào và gia cố đoạn 600m đầu hầm, nay chuyển Cty CP Sông Đà 505 thi công vỏ bọc bê tông (đoạn còn lại do Cty CP Sông Đà 10 thi công).


MỚI - NÓNG