Nạn nhân tình dục của IS giành giải Nobel Hoà bình

TPO - Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm hôm nay, 5/10, thông báo ông Denis Mukwege và bà Nadia Murad đã đoạt giải Nobel Hoà bình năm 2018 nhờ những nỗ lực trong cuộc chiến chống bạo lực tình dục.

Uỷ ban chấm giải Nobel đánh giá ông Denis Mukwege và bà Nadia Murad là những người đã bất chấp nguy hiểm để đấu tranh chống tội phạm tình dục, bảo vệ công lý cho các nạn nhân.

Nạn nhân tình dục của IS giành giải Nobel Hoà bình ảnh 1

Chân dung 2 chủ nhân của giải Nobel Hoà bình 2018.

Theo The Guardian, ông Denis Mukwege – bác sĩ phụ khoa (63 tuổi, người Congo) được đánh giá là “một biểu tượng thống nhất ở cả trong nước và quốc tế cho cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí trong chiến tranh và xung đột vũ trang”.

Ông Mukwege đã dành phần lớn cuộc đời mình trong việc giúp đỡ và điều trị cho các nạn nhân của bạo lực tình dục ở Congo. Ông từng 10 năm lọt vào danh sách đề cử giải Nobel Hoà bình trước khi chính thức đoạt giải.

Nạn nhân tình dục của IS giành giải Nobel Hoà bình ảnh 2

Ông Denis Mukwege. Ảnh: Twitter

Trong khi đó, bà Nadia Murad, thuộc cộng đồng thiểu số Yazidi ở Iraq được đánh giá cao nhờ can đảm kể lại nỗi đau của chính mình và thay mặt nhiều nạn nhân khác lên tiếng tố cáo tội ác tình dục.

Được biết, Murad (25 tuổi) bị bắt cóc cùng nhiều phụ nữ hồi tháng 8/2014 khi ngôi làng Kocho ở Sinjar (miền Bắc Iraq) bị tấn công bởi các phiến quân hồi giáo.

Các chị em của Murad cũng bị bắt giữ. Trong khi đó, 6 anh em của Murad đã bị sát hại vì là nam giới, và mẹ ruột của Murad cũng chịu chung số phận vì bị IS coi là “đã quá lớn tuổi để khai thác tình dục”.

Với việc được trao giải ở tuổi 25, Murad đã trở thành chủ nhân giải Nobel Hoà bình trẻ thứ nhì trong lịch sử, sau Malala Yousafzai (17 tuổi, giành giải Nobel Hoà bình năm 2014).

Nạn nhân tình dục của IS giành giải Nobel Hoà bình ảnh 3

Bà Nadia Murad. Ảnh: Twitter

Năm 2017, giải Nobel Hoà bình thuộc về Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) nhờ “nỗ lực thu hút sự chú ý đối với các thảm họa nhân đạo gây ra do sử dụng vũ khí hạt nhân” và nhờ “thành công đột phá để đạt được hiệp ước cấm phổ biến loại vũ khí hủy diệt này.”

Hiện tại, mỗi giải thưởng Nobel bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 9 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,01 triệu USD).

Theo Theo The Guardian
MỚI - NÓNG