Bí mật đến phút chót
Theo tờ USA Today, Nobel Hoà Bình vốn là giải thưởng thu hút sự quan tâm đặc biệt, nhưng cũng vô cùng khó đoán bởi danh sách các ứng viên không bao giờ được công khai.
Năm nay, giải có tổng cộng 331 ứng viên, trong đó có 216 cá nhân và 115 tổ chức. Một số ứng viên được cho là xuất hiện trong danh sách bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Giáo hoàng Francis.
Theo kế hoạch, danh tính chủ nhân giải Nobel Hoà bình 2018 sẽ được công bố lúc 11h ngày 5/10 (giờ Thuỵ Điển), sau khi ban giám khảo gồm 5 thành viên đưa ra quyết định cuối cùng.
Năm 2017, giải thưởng này thuộc về Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) nhờ “nỗ lực thu hút sự chú ý đối với các thảm họa nhân đạo gây ra do sử dụng vũ khí hạt nhân” và nhờ “thành công đột phá để đạt được hiệp ước cấm phổ biến loại vũ khí hủy diệt này.”
Trước đó, từng có 4 cựu Tổng thống Mỹ giành giải Nobel Hoà bình, bao gồm ông Barack Obama (năm 2009), ông Jimmy Carter (năm 2002), ông Woodrow Wilson (năm 1919) và ông Theodore Roosevelt (năm 1906).
Một số nhân vật đáng chú ý khác cũng từng đoạt giải Nobel Hoà bình bao gồm mục sư – nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King, Jr. (năm 1964), Mẹ Teresa (năm 1979) và cựu Tổng thống Xô Viết Mikhail Gorbachev (năm 1990).
Ứng viên sáng giá
Theo oddschecker.com, thống kê từ các trang cá cược trực tuyến cho thấy Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là 2 ứng viên được dự đoán sẽ giành giải Nobel Hoà bình với tỉ lệ dự đoán cao nhất.
Tiếp đến là Tổng thống Mỹ Donald Trump và tờ báo Nga Novaya Gazeta.
Theo USA Today, thành tựu đáng chú ý nhất của 2 ông Moon – Kim trong năm 2018 là thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hoá và đẩy nhanh việc kí kết hiệp định hoà bình chấm dứt hoàn toàn chiến tranh liên Triều (1950 – 1953).
Tổng thống Mỹ Donald Trump được các nhà lập pháp đảng Cộng hoà đề cử vào danh sách ứng viên giải Nobel Hoà bình hồi tháng Năm cũng nhờ thành tựu liên quan đến vấn đề Triều Tiên.
Ngoài các nhân vật trên, còn có một số ứng viên sáng giá khác bao gồm Giáo hoàng Francis, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR).
Trong đó, nữ thủ tướng Merkel được đánh giá cao nhờ đạt được thoả thuận thành lập chính phủ liên minh hồi tháng 2/2018. Còn UNHCR – tổ chức thành lập năm 1950 nhằm hỗ trợ người tị nạn, người không có quốc tịch – được coi là ứng viên khá “quen mặt” vì từng giành giải hồi năm 1954, 1981.