Theo New York Post, nhiều người thoát chết trong vụ xả súng tại hộp đêm đồng tính ở Mỹ hôm 12/6 nhờ giả vờ chết.
"Tôi nghe thấy tiếng hắn ta quay lại và nã súng vào những người nằm trên sàn nhà cho đến khi chắc chắn là họ đã chết", nhân chứng Angel Colon nhớ lại.
Angel Colon, một trong số những nhân chứng giả chết để sống sót trong vụ xả súng kinh hoàng ở Orlando, Mỹ hôm 12/6. Ảnh: AP
Colon đang điều trị tại trung tâm y tế Orlando hôm 14/6 sau khi bị nghi phạm Omar Mateen bắn vào chân.
"Nghe thấy tiếng súng ngày càng gần hơn, tôi nhìn quanh thì thấy hắn ta bắn vào cô gái ngay bên cạnh mình. Tôi chỉ biết nằm im. Lúc đó trong đầu tôi nghĩ rằng mình sẽ là nạn nhân tiếp theo", Colon nói.
Mateen bắn hai viên đạn về phía Colon nhưng đều không trúng đầu anh.
"Tôi không phản ứng gì cả mà chỉ nằm đó. Thế nên hắn không biết tôi còn sống. Tên sát nhân tiếp tục xả súng trong khoảng 5, 10 phút nữa. Hắn bắn khắp mọi nơi", Colon kể.
Có lúc Colon còn nghe thấy tiếng Mateen đấu súng với cảnh sát.
"Ước gì tôi nhớ được khuôn mặt hoặc tên của người cảnh sát đã cứu mình. Tôi vô cùng biết ơn anh ấy", Colon ca ngợi người cảnh sát đưa mình thoát khỏi vòng nguy hiểm.
Felipe Marrero, một nhân chứng khác còn sống sót sau vụ xả súng, cũng cho biết mình phải giả chết.
"Thật là kinh khủng, tôi đã tận mắt chứng kiến hắn ta bắn vào đầu nạn nhân. Cách duy nhất để sống sót là không để tên sát nhân thấy mặt mình. Tôi trốn dưới ghế sofa giả vờ chết. Thấy người tôi chưa đẫm máu, hắn ta bắn thêm vào lưng tôi", Marrero cho biết.
Patience Carter, cô gái may mắn sống sót sau vụ xả súng, nói rằng Mateen muốn tha chết cho những người da đen.
"Tao không thù hằn gì với người da đen cả. Đây là vì đất nước tao. Chúng mày phải hứng chịu đủ rồi", Carter nghe thấy lời tên sát nhân nói khi cô đang trốn trong nhà vệ sinh ở hộp đêm.
Vụ xả súng trong hộp đêm dành cho người đồng tính nổi tiếng ở thành phố Orlando, bang Florida, Mỹ đã khiến 49 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Mateen thề trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS), tổ chức này cũng đứng ra nhận trách nhiệm nhưng giới chức Mỹ tuyên bố không có bằng chứng xác thực cho thấy IS chỉ đạo vụ tấn công.