> 'Vòng tròn bất tử' cho chiến sỹ Trường Sa
Đoàn công tác thắp nhang bên am thờ, nơi có khắc bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt . Ảnh: Hoàng Chí Hùng. |
5 giờ sáng ngày 6-6, tàu chúng tôi đến đảo Đá Tây. Đảo chìm này nằm trên bãi ngầm san hô có diện tích khá lớn, dài khoảng 7 hải lý, rộng 4 hải lý. Đảo có bãi ngầm san hô hình quả trám. Người ta thường ví đảo Đá Tây nằm trong chiếc hồ lớn giữa biển. Tàu đánh cá xa bờ của ngư dân có thể vào đây neo tránh bão an toàn.
Hiện khu dịch vụ hậu cần nghề cá của đảo đã khá hoàn chỉnh với nhiều hạng mục quy mô bên cạnh các hệ thống nhận và cung cấp nhiên liệu, nước ngọt cho tàu đánh bắt xa bờ. Tàu bè của ngư dân vào đây được cung cấp nước ngọt miễn phí, dầu và dầu máy được bán bằng giá trên đất liền.
Nuôi cá lồng trên đảo Đá Tây. Ảnh: Đỗ Sơn. |
Trên đảo Đá Tây còn có khu nuôi trồng thuỷ sản. Ông Trương Ngọc Lân- Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cho biết, dự án nuôi cá chim trắng trong lồng đã được triển khai thành công. Sắp tới nơi đây sẽ trở thành một khu dịch vụ hậu cần và xuất khẩu thủy sản được đầu tư hiện đại. Đảo Đá Tây sẽ trở thành một ngư trường giàu tiềm năng cho bà con ngư dân ra bám biển lâu dài.
Lại nhớ khi đến đảo Trường Sa lớn, tôi đã lặng người khi nghe thấy tiếng gà gáy trưa và sự hiện diện của hàng trăm chú khuyển trên đảo. Tìm hiểu mới biết không chỉ có tiếng gà, trên đảo còn có đủ các loài vật nuôi trên đất liền như lợn, chó, gà, vịt… và kèm theo đó là lá mơ, lá chanh, hành, tỏi và rất nhiều loại rau gia vị.
Bây giờ, trên đảo Đá Tây chúng tôi lại gặp những lồng cá chim trắng giữa trời mênh mông, cách bờ nửa ngàn cây số. Nuôi cá giữa biển và có thể trực tiếp xuất khẩu mà không cần phải vận chuyển vào bờ- Phải chăng đó là điều mong ước, là khát vọng bấy lâu của bao người?
Am thờ và bài thơ : “Nam quốc sơn hà” tại Khu dịch vụ hậu cần nghề cá- Đảo Đá Tây. |
Giữa biển khơi, gặp được những gì thân thuộc trên đất liền thật quý giá. Khi đi thăm Khu dịch vụ nghề cá, thấy cán bộ, chiến sỹ hải quân và mọi người trong đoàn chuẩn bị hoa quả, hương nến… tôi cứ thắc mắc lẽ nào ở đây cũng có chùa như trên đảo Trường Sa lớn. Hóa ra là một am thờ. Bên am thờ ấy là bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, được khắc trên bia đá.
“Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Trong những ngày biển động, đọc bài thơ thần giữa muôn trùng khơi càng thêm nhiều ý nghĩa: Bài thơ của ngàn năm trước đã làm bạt vía kinh hồn quân giặc nơi bến sông Như Nguyệt lại ngân lên trong lòng mỗi người: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Khi thắp nhang trên am thờ, đọc lại bài thơ này mỗi người đều có cảm nhận riêng.
Đọc bài thơ- bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt, tôi suy nghĩ về chủ quyền đất nước về tình yêu và trách nhiệm của mỗi người con đất Việt. Âm hưởng hào hùng của bài thơ thần như đã truyền một luồng khí nóng chạy ran trong người. Càng tự hào về những chiến công của cha ông muôn đời trước, càng thấy mình cần dốc lòng dốc sức để gìn giữ cho mai sau.
Đảo Đá Tây thuộc Quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh khoảng 235 hải lý; cách đảo Trường Sa Đông 11 hải lý về hướng Đông Bắc; cách đảo Trường Sa lớn 21 hải lý về hướng Tây Nam. Đảo có vị trí chiến lược về kinh tế là nơi có điều kiện khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản và khai thác các nguồn tài nguyên. |