Cụ thể, các nhiệm vụ, giải pháp cho năm học mới được Bộ GD&ĐT đưa ra:
Thứ nhất: Rà soát và hoàn thiện các quy định về chức năng quản lý nhà nước quy định trong Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD&ĐT theo hướng phân cấp phần quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.
Thứ 2: Chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành Giáo dục thích ứng với dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại địa phương. Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát.
Thứ 3: Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non đã được sửa đổi, bổ sung và chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 – 2025. Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức chăm sóc, giáo dục và đánh giá sự phát triển theo độ tuổi của trẻ.
Thứ 4: Tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 – 2022. Nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định, in ấn, xuất bản và lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10; biên soạn SGK tiếng dân tộc, biên soạn và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương.
Đổi mới phương pháp và đa dạng hóa hình thức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận khai thác các nguồn học liệu đa dạng, phong phú; phát triển khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện của bản thân.
Thứ 5: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các quy định của pháp luật về triển khai tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo sau đại học, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, gắn với đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm.
Thứ 6: Triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng của học sinh, sinh viên bị tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài.
Thứ 7: Triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình GDPT 2018; tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế và tuyển dụng giáo viên, bảo đảm “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.
Thứ 8: Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình GDPT 2018. Huy động các nguồn lực để thực hiện hỗ trợ học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, không để học sinh, sinh viên nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường.
Thứ 9: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GDĐT. Phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học.
Thứ 10: Tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương; tăng cường hợp tác và đầu tư với nước ngoài. Triển khai có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT giai đoạn 2019 - 2030.
Thứ 11: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo; chủ động nắm bắt các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong toàn ngành để chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra; khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực trong GDĐT.