Với Lệ Diễm, cộng sự nhí của cô là những tay máy thông minh mang tâm hồn trong trẻo và Tả Phìn là vùng đất mộng mơ đang cận kề “du lịch hóa”. Diễm kể hồi đầu tháng năm vừa rồi, trong lần một mình đến Tả Phìn liên hệ làm phim cùng cộng đồng cô không tiếp cận được bà con. Lần thứ hai quay lại thông qua nhóm Tiên phong Hành động vì tiếng nói người dân tộc thiểu số, Diễm được anh Má A Pho mời ở cùng gia đình và kết nối nhà làm phim với cộng đồng.
Đến bản đúng vụ làm lúa, Diễm theo mỗi nhà một ngày đi cấy lúa. Cấy với nhà nào, buổi trưa về nhà đó ăn cơm cùng. Trong một tuần sống và làm ruộng cùng bà con, Diễm không đả động đến chủ đề làm phim mà chỉ nói về chuyện đồng áng, có vẻ như chưa đủ thân. “Nếu không có tuần cấy lúa, tôi không thể làm được bộ phim này. Bà con rất bận và giữ khoảng cách”.
Di và Mảo
Sau khi tiếp xúc, Lệ Diễm chọn được 5 bé gái tuổi từ 11-13, trong đó có Má Thị Di (con gái anh Pho) và Má Thị Mảo bộc lộ hơn hẳn các em khác về năng khiếu làm phim.
Bộ phim bắt đầu với phần tự giới thiệu của Di và Mảo về mình cùng một vài thành viên khác và những chuyện nhỏ trong gia đình. Qua ống kính, Di kể về cậu em trai được bố mẹ chiều chuộng, cảnh các em đi chăn trâu, uống nước, ăn trưa tự nhiên ngộ nghĩnh trên cánh đồng. Mảo là con thứ ba trong gia đình cha mất sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng, bốn anh em tự nuôi nhau. Có hôm Diễm giao máy quay handly (cầm tay) cho Mảo về nhà, hôm sau đạo diễn cảm động phát khóc khi xem các cảnh Mảo thực hiện. Em tự chọn góc độ, bấm nút quay tự động rồi ra trước ống kính làm công việc thường ngày như quét nhà, hái rau lợn. Khuôn hình chuẩn, em làm mọi việc rất tự nhiên trước ống kính tự sự.
Nhà làm phim Cánh diều bạc 2014 Hà Lệ Diễm kể, cô không truyền đạt quá nhiều lý thuyết hay kinh nghiệm mà chỉ dạy các em vài thao tác cơ bản. Khuyến khích các em tự kể về mình và những điều thân thuộc. Diễm bày tỏ sự nể phục hai cộng sự nhí khi xem các cảnh quay trong trẻo và vững khuôn hình.
Quan sát lúc chơi đùa Diễm nhận thấy các em thích đóng kịch diễn lại cảnh gia đình, đám cưới cô dâu chú rể “giống trẻ em thành phố”. Mỗi bé gái kể chuyện nhà mình thường có chi tiết trùng lặp như “anh/em trai tớ được bố mẹ chiều nên lười lắm”; “em trai mình được chăn trâu sướng lắm, mình là con gái phải nấu cơm, giặt quần áo, cấy lúa”... Rồi tất cả cùng cười ồ lên “sao bọn mình cùng ghét em trai nhỉ?”. Các gia đình người Mông luôn trọng con trai, họ sẵn sàng sinh đến lần thứ năm để có được con trai. Con gái lúc ở cùng cha mẹ chẳng được chú ý lắm, đến 15 tuổi đã bị gả chồng.
Các tay máy thích nhất lúc cuối ngày ngồi chụm lại trước màn hình máy tính của cô Diễm và xem lại những đoạn phim của nhau. Phim được quay, thu âm trực tiếp, tiếng trò chuyện, tiếng lục cục và tiếng gió đều bắt vào. Sau mỗi đoạn quay, đạo diễn mới ghi âm một số phần kể của nhân vật vào để lồng vào các đoạn thích hợp.
Những khách sạn đối diện
Phần 3 khá ấn tượng của phim có tên “Du lịch hóa Sapa, những khách sạn đối diện”. Di cùng bạn cầm máy quay trèo lên nóc một tu viện bỏ hoang, cũng chính là ranh giới giữa khu đất nhà ở của bản Má Tra và khu đất bị lấy đi làm dự án du lịch. Các khách sạn đang được xây khẩn trương, tiếng động cơ chạy rầm rầm, phía khác là màu xanh của ruộng bậc thang và nóc nhà của từng người bạn trong nhóm làm phim. Di kể “ngày xưa chỗ của mấy khách sạn này cỏ xanh lắm, bọn cháu toàn thả trâu ở đây, bây giờ phải lui vào trong”. “Đằng kia có một cái hang, bố cháu từng mang một con lợn vào đó làm lễ cúng tế, bây giờ hang đó bị đóng lại làm du lịch, sắp tới vào đó có khi phải mua vé”.
Trong làng mới chỉ có hai gia đình người Kinh tới đây xây nhà mở tạp hóa mà nước nguồn khá thường xuyên bị cạn. “Họ dùng lượng nước gấp mười lần nhà người Mông”. Nhà người Mông không có bể chứa lớn, nước cạn đành phải ra suối chở về ăn đong từng ngày cho tới lúc có mưa.
Cho đến nay người làng Má Tra vẫn sinh sống bằng trồng trọt, ở đây chưa có homestay, chưa có ai đi làm hướng dẫn viên nhưng tương lai gần có thể các cô bé họ Má như Di, Mảo, Khu, Dở, Vu... sẽ lại đầu quân cho công ty du lịch. Lệ Diễm kể, bà con ở đây, khi trồng trọt họ cũng phun thuốc trừ sâu và diệt cỏ mạnh tay như ở miền xuôi. Đô thị hóa và ô nhiễm là cái kết không tránh khỏi.
Đặt tên phim “Vùng đất mộng mơ” đạo diễn lý giải , phong cảnh Tả Phìn đẹp, người dân nơi đây khá hài lòng với cuộc sống của họ. Bữa trưa các nhà chỉ ăn cơm trắng với đậu quả luộc, tối mới có thịt và rượu thì uống tưng bừng. Ở đây sự giao tiếp giữa con người và con người vẫn còn nguyên. Con người thân thuộc thiên nhiên. Còn ở thành phố điện thoại, mạng internet, công nghệ khiến kết nối giữa mọi người thưa mỏng dần. Với tôi, đây là phát hiện đáng giá nhất của chuyến đi này, Lệ Diễm thổ lộ.
Nhớ lại tiếng máy khoan xúc ầm ầm trên công trường khách sạn, Diễm cảm thấy tên phim có gì đó sai sai. “Có lẽ tôi sẽ nhờ mọi người đặt một tên khác cho đúng hơn”.