3.897 bị can phạm tội về tham nhũng
Sáng 26/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Trong kỳ báo cáo, ông Phong cho biết, các cơ quan điều tra trong lực lượng công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 1.538 vụ án với 3.897 bị can phạm tội về tham nhũng; đề nghị truy tố 856 vụ án với 2.686 bị can.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Như Ý |
Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã điều tra 23 vụ án với 70 bị can; đề nghị truy tố 11 vụ án với 57 bị can. Đối với Viện kiểm sát Nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 1.186 vụ với 3.869 bị can, đã giải quyết 1.006 vụ với 3.242 bị can.
Tòa án Nhân dân các cấp đã giải quyết sơ thẩm 1.154 vụ với 3.201 bị cáo về các tội phạm tham nhũng; đã xét xử 917 vụ với 2.418 bị cáo. Tổng số việc phải thi hành án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 12.877 việc…
Theo ông Đoàn Hồng Phong, trong năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thường xuyên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội”, ông Đoàn Hồng Phong cho hay.
Tuy nhiên, Tổng thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục. Việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Như Ý |
Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu hồi tài sản
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, năm 2024, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn.
Kết quả trên đã tiếp tục khẳng định công tác phòng chống tham nhũng ngày càng hiệu quả, quyết liệt; góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, theo bà Nga, trong năm 2024, có nhiều vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã tích cực áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Tài sản đã thu hồi tăng mạnh về việc và tăng cao hơn về tiền so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga cũng chỉ ra rằng, tài sản phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn tồn đọng lớn; nhiều tài sản có tranh chấp quyền sở hữu nhưng chưa được làm rõ về tình trạng pháp lý, gây khó khăn cho giai đoạn thi hành án.
Ngoài ra, tình trạng cán bộ, công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự vi phạm các quy định về phòng chống tham nhũng tiêu cực, bị xử lý hình sự diễn ra còn nhiều.
Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí báo cáo Quốc hội. Ảnh: Như Ý |
Hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu
Trình bày báo cáo công tác của TAND năm 2024, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, năm 2024, Toà án các cấp đã thụ lý 653.082 vụ việc, đã giải quyết được 585.932 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,72%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,77%, thấp hơn năm trước 0,12% và đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Đặc biệt, ông Trí cho hay, toà án các cấp đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo, và các vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội.
“Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước và có sự phân hóa các đối tượng trong vụ án đảm bảo vừa xử lý nghiêm minh, vừa nhân văn, thuyết phục, đúng quy định của pháp luật”, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Về công tác thi hành án năm 2024, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho hay, trong thi hành án dân sự tổng số việc phải thi hành là 1.023.131 việc, có điều kiện thi hành là 741.240 việc; đã thi hành xong 621.568 việc, đạt tỷ lệ 83,86%.
Theo ông Ninh, tổng số tiền phải thi hành là trên 500 nghìn tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 228 nghìn tỷ đồng. Đã thi hành xong trên 117 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 27 nghìn tỷ đồng so với năm 2023), đạt tỉ lệ 51,46%. Trong đó, đã thi hành xong 6.252 việc, thu được hơn 30 nghìn tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng...