Nhiều nhà nghiên cứu nói rằng, có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang thực sự tuân thủ những cam kết mới của họ về giảm nguy cơ và quản lý khủng hoảng. Viết trên trang Asia Maritime Transparency Initiative (Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á), ông Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy (Úc), cho rằng, hầu như từ khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động hung hăng trên biển Đông từ năm 2009 đến gần đây, thái độ căn bản của họ dường như là sẵn sàng đương đầu.
Những dấu hiệu tích cực
Những tháng gần đây chứng kiến một số diễn biến liên quan quan điểm này, như thỏa thuận về các biện pháp xây dựng lòng tin giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama, quyết định vận hành đường dây nóng Trung Quốc - Nhật Bản, giọng điệu mang tính xây dựng tại Diễn đàn an ninh-quốc phòng Xiangshan (Tượng Sơn), phát biểu gần đây của ông Tập Cận Bình… Tất cả những điều này là dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc có vẻ đã sẵn sàng đối thoại về cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển.
Nhà nghiên cứu Nicholas Khoo, giảng viên cao cấp Khoa Chính trị, Đại học Otago (New Zealand), cũng cho rằng, vài tuần gần đây, chính trị quốc tế xung quanh biển Đông có nhiều diễn biến tích cực. Bên lề Hội nghị cấp cao APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2014, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết ông đã có “cuộc gặp đáng nhớ” với ông Tập Cận Bình. Trong một bài viết đăng trên báo Indonesia Jakarta Post cùng tháng đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nêu ý tưởng đưa năm 2015 trở thành “Năm của hợp tác hàng hải Trung Quốc - ASEAN”. Trong tuyên bố đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) hồi tháng 12/2014 ở Thái Lan, ông Lý Khắc Cường khẳng định coi trọng quan hệ với các nước GMS nói riêng, ASEAN nói chung, cam kết hỗ trợ 3 tỷ USD cho các quốc gia trong tiểu vùng Mekong đầu tư kết nối cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo và nâng cao năng lực sản xuất.
Đô đốc Gary Roughead, cựu thành viên Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho rằng, Trung Quốc vẫn tiến hành xây dựng, mở rộng căn cứ trên các thực thể địa lý (đảo nhỏ, đá ngầm, bãi cạn…) thuộc biển Đông một cách lặng lẽ trong năm 2015, tiếp tục chịu sự chỉ trích phá vỡ nguyên trạng biển Đông, tiếp tục chịu sức ép phải làm sáng tỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý mà Philippines đang kiện tại tòa án trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ hành động phù hợp với giọng điệu trong Diễn đàn Xiangshan gần đây về việc kêu gọi một cấu trúc an ninh khu vực “châu Á vì người châu Á” để thay thế các quan hệ đồng minh của Mỹ ở châu Á. Ông Roughead cho rằng, hải quân Trung Quốc sẽ tham gia nhiều hoạt động hải quân song phương hơn với các đối tác châu Á để thúc đẩy một cấu trúc an ninh mới và hiện thực hóa tham vọng Con đường tơ lụa trên biển. Nguy cơ va chạm trên biển Đông và Hoa Đông sẽ giảm bớt để phù hợp chiến lược hợp tác “cùng thắng” của Trung Quốc, ông Roughead nhận định.
Sự can dự của Mỹ
Mỹ ngày càng quan tâm vấn đề an ninh hàng hải ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn liệu chính quyền Obama sẽ tập trung mức độ nào vào những thách thức trong khu vực trong năm 2015. Theo nhiều nhà phân tích, dịch bệnh Ebola thu hút nhiều quan tâm hơn các quan ngại an ninh truyền thống, trong khi đó, có bằng chứng cho thấy áp lực từ Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với Ukraine, Đông Âu và các quốc gia Baltic có thể tăng lên do hậu quả của tình hình kinh tế khó khăn của Nga. Mỹ cũng đang bị kéo trở lại Iraq với cuộc chiến chống lại mối đe dọa từ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), và hạn chót cho một thỏa thuận hạt nhân với Iran đã qua mà không có kết quả hay triển vọng gì cho giải pháp ngoại giao.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng phải lựa chọn giữa việc đảm bảo lực lượng mặt đất như cam kết đến Thái Bình Dương và đầu tư vào công nghệ mới để đối phó năng lực chống tiếp cận ngày càng cao của Trung Quốc, chưa kể khả năng chiến đấu ngày càng tăng ở Đông Nam Á. Báo chí Mỹ đưa tin, ông Ashton Carter, người được Tổng thống Obama hồi tháng 12/2014 đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng, là chuyên gia về những công nghệ này, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải lựa chọn ưu tiên, trong bối cảnh ngân sách dành cho quốc phòng của Mỹ đang chịu nhiều sức ép.
Trong khi đó, việc Tổng thống Obama đồng ý với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 11/2014 rằng, sẽ thông báo trước các đợt tập trận lớn hoặc báo cáo chính sách quốc phòng cho thấy việc Washington ủng hộ các quốc gia ven biển đi kèm với cái giá tái bảo đảm và xây dựng lòng tin với Bắc Kinh. Trước đó, ông Tập Cận Bình nêu ra khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới”.
Trao đổi với Tiền Phong, GS Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nói rằng, Chủ tịch Trung Quốc đề xuất với Tổng thống Mỹ bốn nguyên tắc lớn để phát triển loại quan hệ này: Cả hai bên sử dụng cơ chế liên chính phủ hiện có để liên lạc, đối thoại; tận dụng thương mại và trao đổi công nghệ để mở các kênh hợp tác mới; phối hợp chính sách về các vấn đề quốc tế lớn; và phát triển mô thức mới về quan hệ quân sự.
Theo GS Thayer, triển vọng Trung Quốc và Mỹ thúc đẩy quan hệ nước lớn kiểu mới hiện chưa sáng sủa vì thiếu sự đồng thuận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và Hoa Đông, cũng như về chính sách tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. “Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã bước vào giai đoạn tích cực, nhưng về cơ bản, hai siêu cường này sẽ tiếp tục vừa hợp tác vừa đối đầu nhau, chứ không “đi đêm” với nhau về tương lai của châu Á-Thái Bình Dương”, GS Thayer nhận định.
GS Carlyle Thayer.
Trung Quốc không đổi tham vọng
Báo Philippines Philstar dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Voltaire Gazmin, nói rằng, sau khi Philippines và Mỹ ký Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Manila hồi tháng 4/2014, các lực lượng của hải quân Trung Quốc không còn quấy rối hoạt động tiếp tế của hải quân Philippines trên biển Đông.
Nhà nghiên cứu Medcalf đặt câu hỏi, liệu Bắc Kinh có tiếp tục “hiền lành” như thế trong năm 2015 hay không, khi mà mùa họp thượng đỉnh thường niên của châu Á, với mục tiêu hàng đầu là chấm dứt căng thẳng quân sự để tiến tới đồng thuận chính trị, đã qua. Theo ông, sau tất cả, những mục tiêu chiến lược của Trung Quốc vẫn không thay đổi, vẫn chưa rõ hành động của nước này trên biển đã trở nên ổn định hơn và dễ đoán hơn hay không.
Những ngày cuối cùng của năm 2014, Tòa án trọng tài thường trực quốc tế tại La Hay (Hà Lan) vẫn đang xem xét vụ kiện của Philippines đối với yêu sách “đường lưỡi bò”. Bộ quy tắc ứng xử quy định hành vi của các nước liên quan trên biển Đông có thể sớm đạt được hay không? Liệu Mỹ có thể có những động thái để hạn chế những hành động làm thay đổi hiện trạng biển Đông? Nhiều chuyên gia cho rằng, 2015 sẽ là năm ít sóng gió nhưng vẫn kịch tính trên biển Đông. Theo nhà nghiên cứu Green, những diễn biến kể trên cho thấy một sự lạc quan sơ khởi rằng, an ninh hàng hải châu Á sẽ ổn định hơn trong năm 2015.
Việt Nam vẫn đối mặt thách thức
Trao đổi với Tiền Phong, GS Carlyle Thayer nói rằng, Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt thách thức mới, vì Trung Quốc xây dựng các giàn khoan dầu khổng lồ không chỉ để phục vụ mục đích chính trị. “Vì vậy, Trung Quốc sẽ nối lại các hoạt động thăm dò dầu khí khi điều kiện chín muồi. Điều này có thể đem lại một thách thức nữa cho Việt Nam”, GS Thayer phán đoán. Theo GS Thayer, rõ ràng Trung Quốc có mục tiêu chiến lược là kiểm soát biển Đông trong vùng “đường lưỡi bò” bằng mọi cách.
Thái An