Myanmar: Quân đội 'vừa đấm vừa xoa', người dân vẫn tìm cách lách luật để biểu tình

Một người biểu tình xăm hình bà Aung San Suu Kyi lên lưng. Ảnh: Reuters
Một người biểu tình xăm hình bà Aung San Suu Kyi lên lưng. Ảnh: Reuters
TPO - Những người phản đối cuộc đảo chính ở Myanmar tuyên bố sẽ tiếp tục có các động thái bất tuân chính phủ, trong bối cảnh lệnh cấm tụ tập đông người và lệnh giới nghiêm đã được áp dụng.

Cuộc đảo chính ngày 1/2 và vụ bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi hôm 1/2 đã kéo theo các cuộc biểu tình quy mô lớn trên khắp Myanmar.

Lời hứa hôm 8/2 của Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing về việc tổ chức một cuộc bầu cử mới vẫn chưa đủ để xoa dịu công chúng.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu”, nhà hoạt động thanh niên Maung Saungkha nói, đồng thời kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị, và loại bỏ hoàn toàn chế độ độc tài.

Nhóm các nhà hoạt động lớn tuổi từng tham gia các cuộc biểu tình năm 1988 đã kêu gọi nhân viên chính phủ tiếp tục đình công thêm 3 tuần nữa.

“Chúng tôi yêu cầu những người biểu tình trên cả nước đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau một cách có hệ thống”, Min Ko Naing đại diện cho nhóm 88 Generation nói.

Khi các cuộc biểu tình chưa có dấu hiệu lắng xuống, chính quyền quân sự Myanmar đã ra lệnh cấm tụ tập trên 4 người, và áp dụng lệnh giới nghiêm tại 2 thành phố lớn nhất là Yangon và Mandalay từ 20h đến 4h sáng.

Các cây cầu nối trung tâm thành phố Yangon với những quận đông dân bên ngoài đã bị đóng cửa vào thứ Ba, người dân cho biết.

Không có bình luận nào thêm từ nhà chức trách về các biện pháp ngăn chặn người biểu tình.

Một số người phản đối đảo chính đã gợi ý trên mạng xã hội rằng người dân nên tụ tập biểu tình theo nhóm 4 người để lách luật cấm tụ tập đông người.

Trước đó, ngày 8/2, Tướng Min Aung Hlaing - người đứng đầu quân đội Myanmar đã có bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình.

Trong bài phát biểu ngắn gọn của mình, ông Min Aung Hlaing cho biết quân đội sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới, và trao quyền cho người chiến thắng.

Ông Min Aung Hlaing cam kết chính quyền của ông sẽ hình thành một “nền dân chủ thực sự và có kỉ cương”, khác với các chính quyền quân sự trước đó.

Ông nói thêm rằng các bộ trưởng phù hợp đã được lựa chọn, chính sách đối ngoại sẽ không thay đổi và các quốc gia sẽ được khuyến khích đầu tư vào Myanmar.

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG