Động thái của CRPH thể hiện mong muốn “thành lập một chính phủ lâm thời” tại Myanmar, cho đến khi cựu Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức khác được trả tự do.
Quyền Phó Tổng thống mới được bổ nhiệm từng là Chủ tịch Thượng viện Myanmar cho đến trước khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính vào ngày 1/2.
Phó Tổng thống mới sẽ thực hiện các nhiệm vụ của tổng thống khi tổng thống vắng mặt, theo tuyên bố.
Quân đội Myanmar hiện chưa bình luận về động thái trên của đảng NLD. Reuters đánh giá đây là một động thái mang tính biểu tượng vì chính quyền Myanmar đang do quân đội nắm giữ.
Truyền thông địa phương cho biết ông Mahn Win Khaing Than là cháu của Ba Khaing - chính trị gia bị ám sát năm 1947 cùng với anh hùng độc lập Aung San, cha của Aung San Suu Kyi.
Ông Mahn Win Khaing Than gia nhập đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi vào năm 2013. Năm 2015, ông trúng cử vào Quốc hội của chính quyền dân sự. Năm 2016, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Thượng viện.
Sau cuộc đảo chính, quân đội đã bắt giữ và "cách chức" bà Suu Kyi - Cố vấn nhà nước cùng Tổng thống Win Myint, làm dấy lên làn sóng phản đối của cộng đồng quốc tế.
CRPH khẳng định chính quyền của đảng NLD do bà Suu Kyi lãnh đạo là chính phủ hợp pháp của Myanmar. Trước đó, vào ngày 2/3, CRPH cũng đã bổ nhiệm 9 quyền bộ trưởng trong nội các, bao gồm cả quyền ngoại trưởng (vị trí vốn là của bà Suu Kyi).
Cùng lúc đó, đài truyền hình nhà nước Myanmar hôm thứ Ba đưa tin Kyaw Zwar Minn, Đại sứ Myanmar tại Anh, người kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi, đã bị triệu hồi.
Sự ủng hộ dành cho CRPH ngày càng gia tăng. Kyaw Moe Tun - Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc đã đọc một tuyên bố của CRPH với nội dung lên án cuộc đảo chính trong cuộc họp cuối tháng Hai ở Đại hội đồng LHQ.
Ông Tun bị quân đội Myanmar cách chức sau đó. Nhưng CRPH cho biết họ sẽ để ông tại vị.