Mỹ triển khai F-35 đến Thái Bình Dương: Lý do là máy bay tàng hình Trung Quốc

Mỹ triển khai F-35 đến Thái Bình Dương: Lý do là máy bay tàng hình Trung Quốc
TPO - Vì sao Mỹ triển khai tàu sân bay hạng nhẹ nhưng đầy uy lực, mang theo hàng chục tiêm kích tàng hình F-35? Một số chuyên gia nói đó là vì Washington muốn “đẩy lùi” các chiến đấu cơ tàng hình của Trung Quốc.

Trung Quốc đang nỗ lực để đưa máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tàng hình mới vào tác chiến trong khi và Mỹ đã có những bước chuẩn bị đối phó bằng việc triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-35, một tướng không quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương nói với hãng tin Bloomberg.

Quân đội Trung Quốc, theo tình báo Mỹ, đang phát triển các máy bay ném bom tàng hình tầm trung và tầm xa mới để gia tăng khả năng tấn công xâm nhập. Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mới của Trung Quốc có thể hoạt động trong năm nay và nước này cũng đang xem xét biến máy bay chiến đấu tàng hình J-31 của mình thành tiêm kích trên hạm cho các tàu sân bay tương lai của hải quân Trung Quốc.

Xét về quy mô, Không quân Trung Quốc lớn nhất trong khu vực và lớn thứ ba trên thế giới với 2.500 máy bay, trong đó có 1.700 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay tấn công. Trung Quốc là một trong ba quốc gia duy nhất phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và nếu phát triển thành công máy bay ném bom tàng hình có khả năng hạt nhân, đây sẽ là một trong ba quốc gia có bộ ba hạt nhân hoàn chỉnh.

Tướng không quân Charles Brown nói với Bloomberg rằng việc gia tăng triển khai F-35 là cần thiết để đối phó với những diễn tiến mới từ phía Trung Quốc. Nói về về cách người Trung Quốc hành động, chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ nói: "Họ sẽ tiếp tục gia tăng giới hạn hoạt động để xem có ai nói hay làm gì không."

"Nếu bạn không đẩy lùi thì họ sẽ tiếp tục tiến lên", ông Brown nói và lưu ý rằng, tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc đại diện cho một "mối đe dọa lớn hơn" ở Thái Bình Dương.

Tướng Brown gần đây nói với các phóng viên Nhật Bản rằng ông hy vọng Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương sẽ có 200 chiếc F-35 hoạt động trong khu vực vào năm 2025. Một phi đội F-35B của Thủy quân Lục chiến Mỹ đã được triển khai đến Nhật Bản vào đầu năm 2017, và sau đó cùng năm đó, thêm 12 F-35A của Không quân Mỹ đã triển khai tới Thái Bình Dương.

Quân đội Mỹ cũng đã thử nghiệm khái niệm "tàu sân bay hạng nhẹ", biến tàu tấn công đổ bộ của hải quân thành tàu sân bay hạng nhẹ trang bị máy bay chiến đấu tàng hình và hải quân Mỹ đang tiến gần hơn tới việc triển khai các tàu sân bay trang bị tiêm kích F-35C. Biến thể F-35C là máy bay chiến đấu tấn công tàng hình tầm xa, thế hệ thứ 5 duy nhất trên thế giới được thiết kế và chế tạo rõ ràng cho các hoạt động của tàu sân bay.

F-35C kết hợp khả năng hoạt động trên boong tàu sân bay với khả năng tàng hình, cảm biến hợp nhất và độ tin cậy thế hệ thứ 5, biến nó trở thành máy bay chiến đấu tấn công đầu tiên trong tương lai của hải quân Mỹ. Các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đều tham gia chương trình F-35.

Các nhà phân tích Trung Quốc, theo truyền thông nước này, lập luận rằng máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc sẽ có "ưu thế áp đảo" so với F-35. Tuy nhiên, mặc dù máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc có một số lợi thế, đặc biệt là tầm bắn, nhưng nhìn chung nó được coi là kém hơn so với các đối thủ thế hệ thứ năm trong quân đội Mỹ như F-35 hay F-22.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.