Thông tin này do ông Chen Xiaogong, hiện là ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc, đưa ra tại một diễn đàn quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh hôm 28/6.
Ông Chen báo cuộc Mỹ thực hiện 1.200 chuyến bay do thám tại khu vực giáp bờ biển Trung Quốc ở Hoa Đông và biển Đông trong năm 2014, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Đông.
“Năm ngoái, Mỹ thực hiện 300 chuyến bay gián điệp cách biên giới biển Trung Quốc 50 km và những chuyến bay do thám gần nhất cách lãnh thổ Trung Quốc vẻn vẹn 8 km”, ông Chen tố cáo và nói thêm rằng, vào năm 2009, Mỹ chỉ thực hiện 260 chuyến bay do thám Trung Quốc.
Tuy nhiên, một cựu sĩ quan hải quân Mỹ khẳng định thông tin do ông Chen đưa ra là “thổi phồng thái quá”. Ông Gary Roughead nói bên lề diễn đàn rằng, con số ông Chen phát biểu “cực kỳ cao” so với thực tế.
“Vấn đề là tôi muốn hỏi họ đã thống kê các chuyến bay đó như thế nào và ở đâu… Phải chăng họ đếm cả những chuyến bay hoạt động ở các khu vực vẫn được xem là không phận quốc tế, trong khi Trung Quốc coi đường chín đoạn chiếm gần hết biển Đông như là vùng biển của mình?”, ông Roughead cật vấn.
Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đô đốc Katsutoshi Kawano, mới đây tuyên bố, quân đội Nhật Bản sẽ xem xét việc tuần tra chung với quân đội Mỹ trên biển Đông. Ông Kawano nói rằng, hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tạo ra những nguy cơ tiềm tàng đối với Tokyo.
Tướng Zhu Chenghu (Đại học Quốc phòng Trung Quốc) chỉ trích các cuộc diễn tập gần đây của Nhật Bản với quân đội Philippines ở biển Đông là một “sự đe dọa” đối với Trung Quốc và là hành động “đổ thêm dầu vào lửa”. Tướng Zhu đe dọa rằng, tình hình càng khiến Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự tại biển Đông để chuẩn bị đối phó các cuộc xung đột.
Cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken gọi các dự án cải tạo đảo quy mô lớn mà Trung Quốc tiến hành ở biển Đông là “mối đe dọa với hòa bình và ổn định”. Ông nói rằng, Mỹ không phải là bên tuyên bố chủ quyền ở vùng biển tranh chấp, nhưng rất quan tâm diễn biến hoạt động mà các bên liên quan đang theo đuổi, và rằng Mỹ có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải.
“Biện pháp cần làm tiếp theo với Trung Quốc là dừng ngay các hoạt động cải tạo, giải quyết bất đồng theo khuôn khổ luật pháp”, ông khẳng định. “Ở biển Đông, chúng ta đang chứng kiến những nỗ lực đơn phương và cưỡng chế thay đổi nguyên trạng - lối hành xử mà Mỹ và các đồng minh đồng lòng chống lại”, ông Blinken phát biểu tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới.