Theo RT, việc triển khai tàu sân bay USS Harry S.Truman và nhóm tác chiến tàu sân bay số 10 (CSG-10) đến Trung Đông đã được lên kế hoạch trước đó. Tuy nhiên, sau sự kiện khủng bố đẫm máu ở Paris, hàng không mẫu hạm này sẽ đến Trung Đông sớm hơn dự kiến.
Navy Times cho biết, USS Harry S.Truman đã rời cảng Norfolk, Virginia, vào sáng 16/11, dự kiến hải trình đến vịnh Ba Tư kéo dài khoảng 6 tuần.
"Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đối với thân nhân những người thiệt mạng cũng như với toàn nước Pháp. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ Pháp như là một phần trong liên minh chống IS", Chuẩn đô đốc Bret Batchelder, chỉ huy nhóm tác chiến CSG-10, nói.
Việc triển khai USS Harry S.Truman tại Trung Đông sẽ kéo dài trong 7 tháng. Nhóm tác chiến CSG-10 sẽ phối hợp cùng với tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp để gia tăng các đợt không kích chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Ryan Scholl, hạm trưởng tàu sân bay Harry S.Truman, cho biết, nhóm tác chiến trên không đã sẵn sàng để hủy diệt IS.
Lực lượng triển khai đến Trung Đông khá hùng hậu gồm: Phi đoàn tác chiến trên không số 7, tuần dương hạm USS Anzio, tàu khu trục USS Bulkeley, USS Gravely và USS Gonzalez cùng một tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Trước đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã rời Trung Đông trong tháng 10 để lại khoảng trống lớn trong năng lực không kích IS. Trong quá trình làm nhiệm vụ, các máy bay cất cánh từ tàu Roosevelt đã thực hiện khoảng 1.812 phi vụ với tổng thời gian bay chiến đấu 10.618 giờ. Các chiến đấu cơ đã sử dụng 1.085 vũ khí dẫn đường và tiêu tốn 54,8 triệu lít nhiên liệu hàng không, theo thống kê của Viện Hải quân Mỹ.
USS Harry S.Truman là tàu sân bay thứ 8 thuộc lớp siêu hàng không mẫu hạm Nimitz. Tàu có chiều dài 332,8 m, rộng lớn nhất 76,8 m, mớn nước 11,3 m, lượng giãn nước 103.900 tấn. USS Harry S.Truman có thể mang theo 90 máy bay các loại. Tiêm kích trên hạm chủ lực là F/A-18E/F Super Hornet.
Những tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet cất cánh từ CVN-75 sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tiêu diệt IS. Ảnh: Wikipedia
Mỹ đang chờ thời cơ để tấn công IS
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 16/11 phát biểu rằng Washington sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội để tấn công IS, trong lần phát biểu đầu tiên kể từ sau vụ khủng bố đẫm máu nhằm vào Paris.
"Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội để tấn công chúng và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi chúng bị đánh bại". Các biện pháp bao gồm tấn công vào các nhà máy sản xuất dầu và nhận dạng cũng như hỗ trợ các lực lượng mặt đất, WSJ dẫn lời ông Carter cho biết thêm.
Trong vai trò đại diện cho đất nước và nhân dân Mỹ tới chia buồn cùng đồng minh Pháp, Ngoại trưởng John Kerry lặp lại những ngôn từ mạnh mẽ mà Tổng thống Pháp Francois Hollande đã dùng để nói về IS. Ông Kerry cũng khẳng định: “Những kẻ khủng bố đã tuyên chiến với toàn thể nhân loại”.
Trước đó, phát biểu tại buổi họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G-20,
Trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ “tiêu diệt tổ chức khủng bố man rợ này”. Người đứng đầu Nhà Trắng gọi IS là “hiện thân của quỷ” và các quốc gia cần tăng cường nỗ lực nhằm chống lại các mối đe dọa.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết nước này sẽ công bố thỏa thuận mới về chia sẻ thông tin tình báo với Pháp. Ông gọi vụ tấn công Paris là "bước lùi" nhưng Mỹ "sẽ tăng cường không kích" chống IS đồng thời khẳng định IS sẽ không có chốn dung thân.
Trước đó, trong 2 ngày 15 và 16/11, các chiến đấu cơ của Pháp đồn trú tại Trung Đông đã tiến hành hàng chục phi vụ không kích IS. Các máy bay Pháp đã tiêu diệt nhiều mục tiêu quan trọng như trung tâm chỉ huy, trại huấn luyện và kho tàng của IS.