Mỹ ra tối hậu thư về Hiệp ước INF, châu Âu lo sốt vó

Nga thừa nhận họ có loại tên lửa mới, nhưng khẳng định họ không vi phạm INF. (Ảnh: BQP Nga)
Nga thừa nhận họ có loại tên lửa mới, nhưng khẳng định họ không vi phạm INF. (Ảnh: BQP Nga)
TPO - Việc hai nhà lãnh đạo trong câu lạc bộ hạt nhân thế giới có nguy cơ hủy bỏ hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF) đang đẩy châu Âu vào tình thế có thể một lần nữa trở thành chiến trường đối đầu giữa các cường quốc.

Được ký năm 1987, Hiệp ước INF cấm hai nước ký kết là Mỹ và Nga phát triển các loại tên lửa mang đầu hạt nhân tầm trung, có tầm xa 500-5.500km; yêu cầu mỗi nước phải hủy bỏ hơn 2.500 tên lửa tầm xa từ 310 – 3.420 dặm. Hiệp ước giúp châu Âu thoát khỏi nỗi lo tên lửa hành trình hạt nhân trong suốt 3 thập kỷ qua.

Mỹ vừa ra tối hậu thư rằng trong 60 ngày để Nga ngưng triển khai hệ thống tên lửa Novator 9M729, nếu không muốn INF bị hủy bỏ.

Tại cuộc họp của NATO ở Brussels, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Nga “lừa dối trong việc tuân thủ các nghĩa vụ kiểm soát vũ khí” theo các điều khoản của Hiệp ước INF.

Theo thông tin tình báo mà Mỹ chia sẻ với NATO, loại tên lửa mới sẽ tạo cho Nga khả năng tấn công hạt nhân châu Âu.

Nếu Nga không đáp ứng đòi hỏi của Mỹ, Washington dọa sẽ kích hoạt giai đoạn thông báo 6 tháng rồi rút khỏi hiệp ước có từ năm 1987, tức là sẽ không tuân thủ thỏa thuận kiểm soát vũ khí từ sau Chiến tranh Lạnh nữa.

INF được Mỹ và Nga ký tại Geneva hơn 3 thập kỷ trước, khi hai nhà lãnh đạo Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev tuyên bố rằng không thể chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân và không bao giờ nên tiến hành kiểu chiến tranh này.

Nhưng đây chỉ là hiệp ước song phương giữa Mỹ và Liên Xô cũ, nên không đặt giới hạn nào cho các nước lớn khác hiện nay như Trung Quốc.

Kiểm soát loại vũ khí này là bước tiến đáng kể của hai nước trong thời điểm đó. Nhưng quan hệ Nga – Mỹ xấu đi rất nhiều trong những năm gần đây.

Tháng trước, Nga lần đầu tiên công khai thừa nhận họ có loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, nhưng nói rằng hệ thống vũ khí này không vi phạm thỏa thuận. Nga cáo buộc Mỹ kiếm cớ để rút hỏi thỏa thuận và thu thập thông tin sâu hơn về tên lửa của họ. Kremlin nói rằng tầm vươn của hệ thống tên lửa mới không vượt quá 500km. Còn Mỹ nói rằng tên lửa mới có thể vươn xa 5.500km.

Đáp lại tối hậu thư của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng cả chục nước đang sản xuất các loại tên lửa tầm trung mà INF cấm.

“Rõ ràng là bây giờ Mỹ tin rằng tình hình đã thay đổi nhiều và họ muốn có những vũ khí như vậy”, ông Putin nói.

“Chúng tôi phản đối việc phá hủy hiệp ước. Nhưng nếu điều này xảy ra, chúng tôi sẽ phản ứng phù hợp”, RT dẫn lời nhà lãnh đạo Nga.

Tại Brussels, quan chức phụ trách đối ngoại EU, bà Federica Mogherini thúc giục Nga và Mỹ cứu lấy thỏa thuận. Bà cảnh báo rằng châu Âu không muốn trở thành chiến trường cho các cường quốc một lần nữa, giống như hồi Chiến tranh Lạnh.

Theo NATO, các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân của Nga rất cơ động, khó phát hiện và có thể bắn trúng nhiều thành phố ở châu Âu mà không kịp cảnh báo. Vì thế, INF bị bỏ sẽ thay đổi đáng kể tình hình an ninh của châu lục này.

Hai người tham gia quá trình đàm phán Hiệp ước INF ngay từ những ngày đầu là cựu lãnh đảo Liên Xô Mikhail Gorbachev và cựu Ngoại trưởng Mỹ George P. Shultz vừa cùng đăng một bài viết thể hiện quan điểm riêng trên báo Mỹ Washington Post để kêu gọi Nga và Mỹ không quay lưng với INF.

“Từ bỏ INF sẽ là bước đi tiến tới giai đoạn chạy đua vũ khí mới, làm suy giảm ổn định chiến lược, làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm hoặc trục trặc kỹ thuật mà từ đó gây ra chiến tranh hủy diệt khủng khiếp”, bài báo viết.

Hai tác giả cho rằng câu trả lời cho vấn đề hiện nay không phải là từ bỏ INF mà cần duy trì và sửa chữa nó. Các quan chức quân sự và ngoại giao Nga và Mỹ cần gặp nhau để giai quyết chuyện thẩm tra và tuân thủ.

Những nước đang có vũ khí hạt nhân

Trong tổng số 14.500 vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, Nga và Mỹ chiếm phần lớn, với tổng số khoảng 13.350. Số 1.150 còn lại đang nằm ở 7 quốc gia.

Triều Tiên, thành viên cuối cùng không được hoan nghênh của câu lạc bộ hạt nhân thế giới, là nước duy nhất thử vũ khí hạt nhân trong thế kỷ này.

Mỹ ra tối hậu thư về Hiệp ước INF, châu Âu lo sốt vó ảnh 1 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra tên lửa đạn đạo chiến lược tầm xa Hwasong-12. Bức ảnh được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đăng tải ngày 15/5/2017

Số lượng vũ khí hạt nhân chính xác trong kho của mỗi nước là thông tin được giữ kín, nên Hiệp hội kiểm soát vũ khí và Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ chỉ có thể đưa ra số lượng ước tính như dưới đây.

Triều Tiên
•    Tổng vũ khí hạt nhân: ~10 - 20
•    Tổng số vụ thử hạt nhân: ~6
•    Thử lần đầu: tháng 10/2006
•    Lần thử gần đây nhất: tháng 9/2017
Israel
•    Tổng vũ khí hạt nhân: ~80
•    Tổng số vụ thử hạt nhân: 0
•    Thử lần đầu: không có vụ thử nào được xác nhận
•    Lần thử gần đây nhất: không có vụ thử nào được xác nhận
Ấn Độ
•    Tổng vũ khí hạt nhân: ~120 - 130
•    Tổng số vụ thử hạt nhân: ~3
•    Thử lần đầu: tháng 5/1974
•    Lần thử gần đây nhất: tháng 5/1998
Pakistan
•    Tổng vũ khí hạt nhân: ~130 - 140
•    Tổng số vụ thử hạt nhân: ~2
•    Thử lần đầu: tháng 5/1998
•    Lần thử gần đây nhất: tháng 5/1998
Anh
•    Tổng vũ khí hạt nhân: ~215
•    Tổng số vụ thử hạt nhân: ~45
•    Thử lần đầu: tháng 10/1952
•    Lần thử gần đây nhất: tháng 11/1991
Trung Quốc
•    Tổng vũ khí hạt nhân: ~270
•    Tổng số vụ thử hạt nhân: ~45
•    Thử lần đầu: tháng 10/1964
•    Lần thử gần đây nhất: tháng 7/1996
Pháp
•    Tổng vũ khí hạt nhân: ~300
•    Tổng số vụ thử hạt nhân: ~210
•    Thử lần đầu: tháng 2/1960
•    Lần thử gần đây nhất: tháng 1/1996
Mỹ
•    Tổng vũ khí hạt nhân: ~ 6,550
•    Tổng số vụ thử hạt nhân: ~ 1,030
•    Thử lần đầu: July 1945
•    Lần thử gần đây nhất: tháng 9/1992
Nga
•    Tổng vũ khí hạt nhân: ~6,800
•    Tổng số vụ thử hạt nhân: ~ 715
•    Thử lần đầu: tháng 8/1949
•    Lần thử gần đây nhất: tháng 10/1990

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.