Phát biểu tại Nhà Trắng hôm qua 29/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, những biện pháp trừng phạt này không phải là dấu hiệu của cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Nga và phương Tây mà chỉ là một động thái mới nhằm gia tăng sức ép buộc Moskva phải có những bước đi cụ thể nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.
“Nếu tiếp tục đi theo con đường hiện nay, Nga sẽ phải hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt hơn nữa. Mỹ đang phối hợp hành động chặt chẽ với châu Âu và do vậy, các biện pháp trừng phạt công bố hôm nay sẽ có tác động lớn hơn. Hành động của Nga ở Ukraine và lệnh trừng phạt sẽ khiến nền kinh tế Nga ngày một suy yếu”, ông Obama đưa ra lời cảnh báo.
Theo Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 3 ngân hàng có trụ sở ở Moskva, gồm Ngân hàng Moskva (Bank of Moscow), Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Russian Agricultural Bank) và Ngân hàng VTB.
Theo đó, 3 ngân hàng này sẽ không được phép nhận các khoản tài trợ trung hạn và dài hạn mới tại Mỹ. Hôm 16/7, lệnh trừng phạt cũng đã được áp đặt với hai ngân hàng lớn khác, hiện nắm giữ 30% khối tài sản trong ngành ngân hàng ở Nga.
Công ty đóng tàu United, một công ty công nghệ quốc phòng của Nga ở thành phố St. Petersburg cũng nằm trong diện bị trừng phạt. Cụ thể, công ty này sẽ không được phép tiếp cận nguồn vốn và tham gia giao dịch với các công ty và người Mỹ.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng thông qua một loạt các biện pháp trừng đối với Nga, nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ, công nghệ và quốc phòng.
Cuối tuần qua, EU đã quyết định đưa thêm 15 cá nhân và 18 công ty Nga vào danh sách trừng phạt, bao gồm việc cấm thị thực và đóng băng tài sản.
Bình luận về các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố, hành động của Washington có thể đẩy quan hệ giữa đôi bên "vào chân tường".