Việc chính quyền Biden thiếu những hoạt động trao đổi trực tiếp với Triều Tiên không nên bị hiểu là dấu hiệu thể hiện Mỹ không ưu tiên xử lý chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price nói.
“Thực tế là nó được chú ý rất nhiều”, ông Price nói tại cuộc họp thường kỳ.
Triều Tiên được cho là vẫn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa trong những năm gần đây, khiến vấn đề này trở thành “một ưu tiên cấp bách đối với Mỹ và là vấn đề chúng tôi cam kết giải quyết cùng các đồng minh và đối tác”, ông Price nói.
“Và…lời hứa trọng tâm là chúng tôi tiếp tục cam kết phi hạt nhân hoá Triều Tiên”, ông nói.
Ông nói rằng việc chưa có những trao đổi trực tiếp với Triều Tiên cho đến nay là “một chức năng của chúng tôi để bảo đảm rằng chúng tôi đã làm công việc ngoại giao, chúng tôi vẫn trao đổi gần gũi với các đồng minh và đối tác” nhằm có cách tiếp cận phối hợp.
Chính quyền Biden nói rằng họ đang tiến hành đánh giá lại đầy đủ chính sách với Triều Tiên và tham vấn với các đồng minh, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, sau khi cựu tổng thống Donald Trump có những hoạt động tiếp xúc chưa từng có với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhưng vẫn chưa thể thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Đầu tuần này, Reuters dẫn báo cáo mật của Liên Hợp quốc nói rằng Triều Tiên đã phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và tên lửa trong suốt năm 2020 bất chấp cấm vận quốc tế. Triều Tiên kiếm khoảng 300 triệu USD thông qua các cuộc tấn công mạng để lấy tiền dùng cho phát triển vũ khí.
Ông Kurt Campbell, quan chức hàng đầu của chính quyền Biden về châu Á, khẳng định rằng Washington phải quyết định nhanh cách tiếp cận với Triều Tiên và không lặp lại chính sách trì hoãn sai lầm thời chính quyền Obama để Bình Nhưỡng có những bước đi “khiêu khích” khiến hai bên không đối thoại được.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi thảo luận về vấn đề Triều Tiên với người đồng cấp Hàn Quốc hôm 11/2 đã nói rằng có thể dùng thêm các biện pháp trừng phạt để phối hợp với các đồng minh nhằm ép Triều Tiên phi hạt nhân.