Những người tìm ánh sáng cuối đường hầm

Vợ chồng TS Sahin và Tureci. (Ảnh: DW)
Vợ chồng TS Sahin và Tureci. (Ảnh: DW)
TPO - Ngày 24/1/2020, khi đang dở bữa sáng, Vợ chồng TS Ozlem Tureci và Ugur Sahin đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng: “Chúng ta cần nổ phát súng đầu tiên”, bà Tureci nhớ lại. 

Quyết định của đôi vợ chồng là sáng lập viên của BioNTech, một công ty nhỏ ở Đức, được đưa ra khi họ tình cờ đọc được một bài báo trên tạp chí khoa học The Lancet về dịch bệnh mới đang hoành hành ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhận định mầm bệnh mới sẽ sớm bùng nổ khắp thế giới, ông bà Tureci và Sahin triển khai ngay lập tức Chiến dịch Tốc độ ánh sáng, để chuyển tất cả các nhà khoa học của công ty từ nghiên cứu liệu pháp điều trị ung thư sang nhiệm vụ tìm vắc-xin nhằm chặn đứng đại dịch COVID-19. 

“Từ hôm đó…chưa có ngày nào chúng tôi nghỉ ngơi vì dự án này”, bà Tureci chia sẻ.

Bốn ngày sau, vào hôm 28/1, Đức xác nhận ca nhiễm virus corona mới đầu tiên, cũng là ca lây nhiễm từ người sang người đầu tiên được biết đến ở châu Âu. Dịch bệnh bắt đầu từ Trung Quốc sớm trở thành cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, buộc các chính phủ phải đóng cửa biên giới, trường học và văn phòng và yêu cầu người dân ở nhà. 

Khi BioNTech và các hãng dược khác bắt đầu hành động để tìm kiếm công thức chiến thắng, đội quân các công ty công nghệ sinh học của Đức và các chuyên gia về hậu cần sớm chứng tỏ vai trò quan trọng. 

 Vị thần trong chai

Chỉ cách trụ sở chính của BioNTech ở TP Mainz vài phút lái xe, một công ty lặng lẽ tăng cường sản xuất. 

Dù ít được thế giới biết đến, công ty Schott với 130 tuổi đời thực ra là một hãng lớn trong ngành công nghiệp dược phẩm vì họ làm ra những chiếc lọ thuỷ tinh nhỏ bé được thiết kế để đựng vắc-xin cứu mạng người. 

Ba phần tư trong số hơn 100 thử nghiệm vắc-xin trên thế giới sẽ kết thúc bằng việc sử dụng sản phẩm của Schott. Công ty này đặt mục tiêu sản xuất đủ lọ để đựng hơn 2 tỷ liều vắc-xin COVID-19 tính đến cuối năm 2021, bà Christina Rettig, giám đốc truyền thông của công ty, cho biết. Bản thân Schott đã sớm phải đối mặt với virus corona mới tại nhà máy Mitterteich của họ ở Bavaria.

Thị trấn này trở thành một trong những điểm nóng COVID-19 đầu tiên của Đức sau khi lễ hội bia diễn ra ở đây vào tháng 3. Bà Rettig cho biết nhiều công nhân của Schott đến từ CH Séc đã không được về nhà gặp gia đình trong nhiều tuần vì biên giới đóng cửa. 

Những người tìm ánh sáng cuối đường hầm ảnh 1 Ngày 9/12, cụ bà 90 tuổi người Anh Margeret Keenan trở thành người đầu tiên tiêm vắc-xin COVID-19 của BioNTech/Pfizer ngoài chương trình thử nghiệm. (ảnh: Standard)

Chuẩn bị lặng lẽ 

Khi hầu hết các chuyến bay chở khách không thể cất cánh, âm thanh ồn ào thường thấy ở sân bay Frankfurt biến mất trong mùa xuân năm nay. 

Nhưng khu vực vận chuyển hàng hoá của nhà ga tiếp tục sôi động với việc vận chuyển àng chục ngàn thùng khẩu trang và đồ dùng y tế. Max Philipp Conrady, giám đốc bộ phận hạ tầng hàng hoá của công ty vận tải hàng không Fraport, biết rằng lúc đó mới chỉ là sự khởi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch.

Không ai biết công ty nào sẽ tìm ra vắc-xin hay khi nào vắc-xin sẽ sẵn sàng, nhưng Frankfurt vẫn luôn là trung tâm vận chuyển dược phẩm lớn nhất của châu Âu. Vì vậy, sân bay này đã phải bắt đầu chuẩn bị cho thách thức hậu cần chưa từng có để vận chuyển hàng triệu liều vắc-xin cứu người đi khắp thế giới. Kho chứa của Fraport đã bảo quản 120.000 tấn vắc-xin, thuốc và các dược phẩm khác trong năm 2019. Công ty quản lý hệ thống nhà kho này dự báo nhu cầu dự trữ lạnh sẽ tăng vọt, nên đã đầu tư vào các xe đông lạnh công nghệ cao để vận chuyển hàng từ nhà ga đến máy bay. Giờ họ đang có 20 xe như vậy, giúp việc vận chuyển nhiều đợt hàng có thể diễn ra đồng thời. 

 Lạnh thành nóng

Fraport không phải công ty duy nhất đầu tư vào giải pháp giữ lạnh. Khi có thông tin vắc-xin của BioNTech phải được dự trữ ở âm 70 độ C, chuyên môn về quản lý dây chuyền lạnh trở thành mặt hàng “nóng” ở thị trấn. 

Khi các quốc gia khắp thế giới khổ sở xử lý vấn đề bảo quản vắc-xin đúng nhiệt độ trong quá trình vận chuyển khắp thế giới, một công ty Đức sở hữu giải pháp mà ít người biết đến. Công ty Binder ở thị trấn Tuttlingen có loại “siêu tủ lạnh”, đã được sử dụng từ tháng 3 để làm lạnh virus corona trong phòng thí nghiệm của BioNTech và một hãng vắc-xin Đức khác là CureVac. 

Nhu cầu tăng cao hơn khi BioNTech vượt lên trên đường đua. Trong khi Binder có thể bảo đảm độ lạnh tĩnh lên đến âm 90 độ C, một công ty khác là Va-Q-Tec làm ra những chiếc hộp có chức năng siêu lạnh để tiện cho quá trình vận chuyển. Sử dụng công nghệ hạt silica, thùng chứa của công ty này có thể duy trì nhiệt độ tương đương độ lạnh ở vùng cực trong 10 ngày mà không cần nạp năng lượng đầu vào. 

Ngày 18/11, BioNTech và đối tác Pfizer thông báo thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 chứng tỏ vắc-xin của họ đạt hiệu quả phòng ngừa virus lên đến 90%. Thông tin này tạo thành con sóng gây hưng phấn trên thị trường chứng khoán và được ca ngợi là bước ngoặt, là ánh sáng cuối đường hầm dài tăm tối. 

Ăn mừng một cách nhẹ nhàng, những người sáng lập ra BioNTech biết rằng vẫn còn quá sớm để nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế. “Sâm-panh không dành cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ ngồi xuống thưởng thức một tách trà và dành thời gian nghĩ về những thứ đã qua và những điều tiếp theo sẽ đến”, ông Sahin nói. Còn bà Tureci nói rằng điều quan trọng với công ty là làm việc nhanh nhất có thể, nhưng không bỏ qua các tiêu chuẩn về khoa học và đạo đức. “Chúng ta đã đi được bước đầu tiên để khống chế đại dịch, nhưng cuộc đua marathon vẫn chưa kết thúc”, bà nói. 

 Nỗ lực quốc tế

Để đạt được kết quả như bây giờ, bà Tureci cho biết một nhóm nhà khoa học và nhân viên từ khắp 60 quốc gia trên thế giới đã hợp tác với BioNTech trong nghiên cứu về công nghệ vắc-xin mRNA. 

TS Tureci, 53 tuổi, sinh ra ở Đức nhưng có bố là một bác sĩ đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. TS Sahin, 55 tuổi, cũng sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông có quan hệ bạn bè với ông Albert Bourla, vị tổng giám đốc điều hành gốc Hy Lạp của tập đoàn dược Mỹ Pfizer. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, hai người cho biết họ gắn bó với nhau vì đều là nhà khoa học và người nhập cư. 

Ngày 2/12, vắc-xin của BioNTech hợp tác với Pfizer trở thành vắc-xin đầu tiên được cấp phép sử dụng ở phương Tây khi được cơ quan chức năng Anh chấp thuận, tiếp nối là Mỹ, Ả-rập Xê-út và Singapore. Ngày 21/12, cơ quan quản lý dược phẩm của EU cấp phép cho vắc-xin của BioNTech/Pfizer, trong khi Uỷ ban châu Âu tuyên bố cả khối sẽ bắt đầu tiêm chủng từ ngày 27/12. 

Với Thủ tướng Đức Angela Merkel, mỗi mũi tiêm nghĩa là một mạng người được cứu. “Khi thấy bao nhiêu người sắp chết vì virus corona, chúng ta có thể thấy bao nhiêu mạng người sẽ được vắc-xin cứu”, bà nói. 

Bà cũng dành lời khen ngợi cho những nhà nghiên cứu của BioNTech. “Chúng ta vô cùng tự hào khi có những nhà nghiên cứu như vậy ở đất nước chúng ta”, DW dẫn lời bà Merkel nói trong cuộc gặp trực tuyến với vợ chồng TS Tureci và Sahin hôm 17/12.

Theo Theo DW, AP
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.