Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Washington ngày 2/10. Ảnh: TTXVN
Ngoại trưởng John Kerry thông báo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong cuộc hội đàm hôm 2/10 (giờ Mỹ) rằng, Washington quyết định điều chỉnh chính sách hiện nay “để cho phép chuyển nhượng thiết bị quốc phòng, trong đó có thiết bị quốc phòng sát thương, chỉ để phục vụ mục đích an ninh hàng hải”, báo chí Mỹ dẫn lời giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki, cho biết, Mỹ sẽ cho phép bán trang thiết bị an ninh hàng hải và giám sát cho Việt Nam trên cơ sở xem xét từng trường hợp. “Chính sách này hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về hiện trạng biển và tăng cường năng lực bảo đảm an ninh biển”, bà Psaki nói với báo giới.
Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí chống Việt Nam từ năm 1984. Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, việc Mỹ vừa dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam chỉ áp dụng với trang thiết bị an ninh hàng hải. Đồng thời khẳng định đến nay họ vẫn chưa có chương trình bán vũ khí cụ thể nào cho Việt Nam. Bất kỳ hợp đồng nào cũng chỉ được triển khai sau khi tham vấn kỹ Quốc hội Mỹ, và sẽ tập trung chủ yếu vào trang thiết bị dùng cho lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo, trong cuộc hội đàm ngày 2/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tình hình ở biển Đông. Hai bên cho rằng, các bên liên quan cần nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, tránh các hành động có nguy cơ làm leo thang tranh chấp và bất ổn ở khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, hai bên thảo luận biện pháp tăng cường quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Bà Susan Rice nhấn mạnh, Mỹ tiếp tục cam kết triển khai chiến lược tái cân bằng ở khu vực; bày tỏ coi trọng quan hệ với Việt Nam; cam kết phối hợp đưa quan hệ Đối tác toàn diện phát triển ngày càng thực chất và hiệu quả.
Mỹ xem xét tích cực các đề nghị của Việt Nam
Trong cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Mỹ linh hoạt với Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong quá trình đàm phán, thực thi TPP, sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường; tăng cường hợp tác khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo với Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh.
Ngoại trưởng Kerry khẳng định, Mỹ coi trọng vai trò của Việt Nam ở khu vực; mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực; ghi nhận và cho biết sẽ xem xét tích cực các đề nghị của Việt Nam; cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề chất độc da cam và bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; thúc đẩy việc thành lập trường Đại học Fulbright tại Việt Nam; nhất trí hai bên tiếp tục đối thoại nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau trong các vấn đề còn khác biệt. Ngoại trưởng Kerry cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam và các nước trong khu vực trong việc triển khai các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ nguồn Mekong, trong đó có việc đảm bảo an ninh nguồn nước sông Mekong.
Tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman, hai bên trao đổi một số vấn đề trong quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước, trong đó có TPP. Hai bên nhất trí tích cực phối hợp thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại, cùng nhau nỗ lực sớm kết thúc đàm phán TPP.
Ngày 1/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự và phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo “Một kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt Nam - Mỹ: Thúc đẩy hơn nữa quan hệ sau hai thập niên bình thường hóa” tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington.