Mỹ - Nhật tập trận đổ bộ

Nhóm trinh sát của Nhật Bản diễn tập đổ bộ hôm 29/7 ở Hawaii. Ảnh: AP.
Nhóm trinh sát của Nhật Bản diễn tập đổ bộ hôm 29/7 ở Hawaii. Ảnh: AP.
TP - Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) hôm 31/7 dẫn nguồn hãng tin AP nói rằng, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cùng quân Mỹ vừa tập trận đổ bộ tại Hawaii, bên lề cuộc diễn tập hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC 2014.

Quân đội Nhật Bản gần đây liên tục đẩy mạnh năng lực tác chiến đổ bộ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc dâng cao xung quanh tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và trong khu vực. 

AP mô tả cuộc tập trận đổ bộ tại Hawaii: “Các máy bay trực thăng thả một đội trinh sát Nhật Bản ngoài bờ biển tại một căn cứ của lính thủy đánh bộ Mỹ. Các binh sĩ tiến vào trên xuồng bơm hơi, kiểm tra bờ biển trước khi làn sóng hải quân Mỹ, Úc và Indonesia theo sau trên các xe đổ bộ bọc thép”. Chuyên gia hải quân James Holmes cho rằng, việc giành lại một hòn đảo bị đối phương chiếm giữ là một trong những “thách thức khắc nghiệt nhất lực lượng đổ bộ phải đối mặt”. 

Tạp chí National Interest (Mỹ) cho rằng, để khẳng định vị trí lãnh đạo của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ và Trung Quốc đang dấn vào một cuộc đối kháng “tầm chiến tranh”. Trước hiệu quả chiến thuật mà quân Mỹ thể hiện trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phát động chương trình hai thập kỷ hiện đại hóa quân đội, nhằm cải thiện khả năng “chống can dự”, chuyên gia về quân đội Trung Quốc Robert Haddick nói. 

Năm 2007, Tập đoàn RAND (Mỹ) công bố một báo cáo nói rằng, quân đội Mỹ có thể thất bại trước quân đội Trung Quốc và các lực lượng “chống can dự” của quân đội Trung Quốc có thể đối phó nếu một cuộc khủng hoảng lại xảy ra trong khu vực. Bất kỳ sự đáp trả nào cũng vấp phải hàng rào gồm nhiều loại chiến hạm Trung Quốc và tàu ngầm phóng các loại tên lửa hành trình chống hạm như YJ-83 tầm bắn 160km, SS-N-22 Sunburn tầm bắn 250km, SS-N-27 Sizzler tầm bắn 300km. Các tàu chiến Mỹ có thể hứng chịu những tổn thất nghiêm trọng trước khi tiến vào tầm tấn công.

Lực lượng không quân và tên lửa trên đất liền của Trung Quốc cũng có thể gây rắc rối cho quân đội Mỹ và các đồng minh ở Tây Thái Bình Dương. Máy bay Su-30 Trung Quốc được trang bị tên lửa chống hạmYJ-12 có khả năng tấn công mục tiêu cách bờ biển 1.900km, vượt bán kính chiến đấu của các máy bay F/A-18 và F-35C của hải quân Mỹ. Chuyên gia Haddick cho rằng, việc Mỹ thực hiện chiến lược không-biển sẽ trở nên tốn kém hơn, nếu Trung Quốc nới rộng phạm vi tấn công sâu xuống tới Indonesia, Ấn Độ Dương và giữa Thái Bình Dương. 

Với tầm bắn của tên lửa Trung Quốc, hải quân Mỹ dễ tổn thương hơn sẽ không có khả năng sử dụng eo biển Indonesia làm chốt kiểm soát tàu thương mại Trung Quốc một cách lâu dài. Phạm vi phong tỏa Mỹ cần kiểm soát sẽ tăng lên. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang cải thiện “tầm chiến tranh” trên Thái Bình Dương và xem xét những phương cách mới tốt hơn nhằm chiến đấu một cách hiệu quả, chuyên gia Haddick nói.

MỚI - NÓNG