Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc bắt tay đối phó Trung Quốc

Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ luôn thường trực ở châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ luôn thường trực ở châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy.
TP - Bắc Kinh đòi Washington ngừng tuần tra ở biển Đông, trong khi Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc tìm cách tăng cường hợp tác để đối phó các thách thức từ phía Trung Quốc.

Theo Kyodo News của Nhật Bản, tháng 12 này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ hội đàm với lãnh đạo Úc và Ấn Độ, nhằm thúc đẩy hợp tác về đảm bảo an ninh giữa 4 quốc gia là Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ. Ông Abe từng đưa ra ý tưởng “hình thoi an ninh”, tức thông qua sự hợp tác giữa 4 nước để bảo vệ khu vực hình thoi nằm giữa Nhật bản, Úc, Ấn Độ và đảo Hawaii của Mỹ. Ý tưởng nhằm đảm bảo an toàn hàng hải từ khu vực Ấn Độ Dương tới Tây Thái Bình Dương. Nhật Bản rất lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường quyền kiểm soát thực tế trên biển Đông, giống như biến thành “ao nhà” của Bắc Kinh.

Nhật Bản đang xây dựng chiến lược bảo vệ vùng biển hình thoi từ Ấn Độ Dương tới Tây Thái Bình Dương. Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản sẽ tham gia cuộc tập trận chung Mallabar giữa hải quân Mỹ và hải quân Ấn Độ, để hoạt động trao đổi phòng thủ của ba nước trở nên linh hoạt hơn. Đối với Úc, Nhật Bản sẽ thúc đẩy đàm phán hiệp định mới để có thể thực hiện các cuộc huấn luyện chung một cách thuận lợi, thúc đẩy hợp tác Nhật - Mỹ - Úc. Trong đó, Thủ tướng Abe coi trọng xây dựng cơ chế hợp tác lấy sức uy hiếp của Mỹ làm then chốt.

Theo Reuters, ngày 21/12, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, theo kế hoạch, khi hết nhiệm kỳ vào năm 2016, ông sẽ để lại cho Philippines một lực lượng vũ trang hùng mạnh hơn để đối phó những thách thức trên biển Đông. Ông Aquino từng cam kết, trong nhiệm kỳ 5 năm, sẽ đầu tư khoảng 1,77 tỷ USD để tăng cường sức mạnh quân sự cho Philippines. Tổng thống Aquino nói rằng, một số quốc gia châu Á liên tiếp tăng cường ngân sách quốc phòng trong bối cảnh cục diện biển Đông ngày càng căng thẳng; Mỹ và Nhật Bản đang giúp Philippines phát triển lực lượng vũ trang.

Lãnh đạo Mỹ - ASEAN sẽ hội đàm

Trong một diễn biến khác, Tòa án trọng tài quốc tế về biển Đông mà Philippines đề nghị thành lập vừa công bố bản ghi chép tại tòa trong phiên điều trần các vấn đề cụ thể.

Ngày 21/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ lập trường không chấp nhận, không tham gia vụ kiện về vấn đề biển Đông mà Philippines đơn phương kiện lên tòa án trọng tài quốc tế. Mỹ không chấp nhận quan điểm của Trung Quốc.

Dự kiến, tháng 2/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của ASEAN tại bang California. Theo hãng Nikkei của Nhật Bản, tháng 11/2015, Tổng thống Obama đã hội đàm với các nhà lãnh đạo ASEAN khi tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN tại Malaysia; trong thời gian ngắn như vậy mà có cuộc hội đàm thứ hai là điều hiếm thấy. Ông Obama muốn thông qua cuộc hội đàm, các nước ASEAN tăng cường đoàn kết nội bộ và thiết lập mối quan hệ mật thiết hơn giữa ASEAN và Mỹ.

Ông Obama coi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là nền tảng mở rộng hợp tác giữa Mỹ và ASEAN. Ngoài ra, Mỹ sẽ thúc đẩy các bên xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.

Tàu Trung Quốc có vũ trang tới gần Senkaku

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản ngày 22/12 thông báo, họ phát hiện một tàu hải cảnh Trung Quốc mang theo 4 khẩu đại bác đang hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Kyodo đưa tin. Theo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản, đây là lần đầu tiên họ phát hiện tàu có vũ trang của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc gần quần đảo này. Chỉ huy Lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực 11 tại tỉnh Okinawa của Nhật Bản thông báo, tàu hải cảnh mang số hiệu 31239 có vũ trang và 3 tàu hải cảnh khác của Trung Quốc sau đó di chuyển xa Senkaku/Điếu Ngư.

Trước đó, chiều 20/12, hai tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đi vào vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản thông báo.            

Gia Tùng (theo Kyodo)

MỚI - NÓNG