Theo BBC, tháng 4/2006, Văn phòng kiểm toán Chính phủ Mỹ ước tính chi phí toàn bộ cho mỗi chiếc F-22 vào khoảng 361 triệu USD. Tính tổng, dự án đầu tư vào loại tiêm kích mang biệt danh “Chim ăn thịt” này, đã “ngốn hết” khoảng… 67 tỷ USD. Đây được coi là dự án vũ khí hao tiền tốn của nhất trong lịch sử ngành quốc phòng Mỹ.
Máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Mỹ tại căn cứ Hickam ở Hawaii. Ảnh: Bảo Trung
Các cuộc không kích do Mỹ mới phát động nhằm tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Xy-ri, là lần đầu tiên F-22 Raptor có dịp tham gia một cuộc chiến thực sự.
F-22 Raptor, do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển, là thế hệ máy bay chiến đấu thứ 5 có khả năng tàng hình tránh ra-đa và được trang bị một loạt các vũ khí tân tiến như: Tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9, tầm xa AIM-120, bom JDAM, bom đường kính nhỏ GBU-39 hoặc GBU-53/B, bom chùm... Đặc biệt, F-22 Raptor có thể thả bom có điều khiển ở khoảng cách 24km so với mục tiêu.
Với độ dài 18,9m, cao 5,1m, trọng lượng cất cánh tối đa 38 tấn, F-22 Raptor có thể thực hiện các chuyến bay tầm xa với tốc độ khoảng gần 2.400km/giờ. Hơn thế nữa, nhờ hệ thống ra-đa AN/APG-77 cực mạnh với tầm trinh sát từ 200-250km, máy bay chiến đấu được mệnh danh là “chim ăn thịt” này được đánh giá rất cao ở khả năng nhận diện các mục tiêu.
Ngay cả trong trường hợp cùng tham chiến với những chiếc F-15 hay F-16, chiến đấu cơ F-22 Raptor cũng có thể xác định rõ đâu là đồng minh, đâu là đối tượng cần tiêu diệt để lựa chọn hướng tấn công chuẩn xác nhất. Mặc dù được thiết kế ưu tiên cho các cuộc chiến trên không, song nếu cần, F-22 Raptor cũng sẵn sàng được huy động vào các cuộc tấn công mặt đất.
Có thể nói, việc F-22 Raptor được đưa tới chiến trường Xy-ri thực sự là một “cú sốc lớn” với giới quân sự của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Vậy đâu là lý do khiến Oa-sinh-tơn quyết định sử dụng chiến đấu cơ F-22 Raptor trong chiến dịch không kích nhằm vào IS tại Xy-ri sau nhiều năm để chiến đấu cơ này trong tình trạng “bất động chờ thời”?
Với những tính năng ưu việt và khả năng hủy diệt của mình, F-22 Raptor được coi là sự lựa chọn hoàn hảo khi sánh vai cùng các vũ khí tối tân khác mà Mỹ sử dụng trong các cuộc không kích lần này như máy bay ném bom B1, chiến đấu cơ F-16, F-18, máy bay không người lái phóng tên lửa, tên lửa hành trình Tomahawk… Có vẻ như, F-22 Raptor được điều đến Xy-ri với một “thông điệp lớn”, rằng Mỹ quyết tâm sẽ “quét sạch” phiến quân IS. Đồng thời, Oa-sinh-tơn cũng nhân dịp này “răn đe” các tổ chức cực đoan và các quốc gia đối địch khác ở khu vực Trung Đông.
Hơn nữa, dù đã được phát triển từ nửa sau thập kỷ 1980 và được đưa vào biên chế của Không quân Mỹ từ lâu, nhưng cho đến trước ngày 22-9, F-22 Raptor vẫn chưa một lần tham chiến và họa hoằn lắm mới rời khỏi lãnh thổ Mỹ để tham gia các cuộc tập trận, trình diễn. Ngay cả trong các cuộc chiến của Mỹ ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan hay Li-bi, F-22 Raptor cũng không xuất hiện.
Chính vì vậy mà đã có không ít tranh cãi liên quan đến loại chiến đấu cơ đắt đỏ nhất thế giới này. Nhiều người cho rằng, chẳng có lý gì khi phải bỏ ra một đống tiền để nghiên cứu, chế tạo rồi cuối cùng biến F-22 Raptor thành những “khối sắt vô dụng”. Biện minh cho điều này, Lầu Năm Góc nói rằng, “đơn giản là vì chưa có nhiệm vụ nào dành cho F-22 Raptor”.
Ngoài ra, dù được coi là một phần quan trọng trong kho vũ khí chiến lược của Không quân Mỹ, nhưng F-22 Raptor cũng từng gặp phải những vấn đề về mặt kỹ thuật. Còn nhớ năm 2011, tất cả các máy bay loại này đã bị cấm bay thử nghiệm do trục trặc ở hệ thống cung cấp dưỡng khí cho phi công. Một năm sau đó, trong một lần bay tập, 2 phi công lái F-22 Raptor đã phải hạ cánh khẩn cấp vì thiếu ô-xi trong khoang lái.
Bởi vậy, việc Mỹ đưa F-22 Raptor vào các cuộc không kích nhằm tiêu diệt IS ở Xy-ri trước là để thử nghiệm, sau là hy vọng sẽ dập tắt những tranh cãi và nghi ngờ, đồng thời chứng tỏ cho dư luận thấy rằng, F-22 Raptor không hề vô dụng mà trái lại, thế hệ máy bay chiến đấu xa xỉ này xứng đáng trở thành “đôi cánh thép” của Không quân Mỹ trong những năm sắp tới.