Mỹ - Hàn Quốc tranh cãi về tiền duy trì quân đồn trú

Binh lính Mỹ huấn luyện chung với lính Hàn Quốc năm 2017 Ảnh: Bloomberg
Binh lính Mỹ huấn luyện chung với lính Hàn Quốc năm 2017 Ảnh: Bloomberg
TP - Đúng vào giai đoạn Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực kiến tạo hoà bình với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn Quốc trong suốt 7 thập kỷ qua đang bị đe dọa do tranh cãi về tiền bạc.

Chính quyền Trump khăng khăng đòi Hàn Quốc chấp nhận trả thêm 50% chi phí để được hưởng sự bảo vệ của quân đội Mỹ, trong đó có chi phí duy trì hiện diện của các máy bay ném bom hạt nhân Mỹ trên đảo Guam, cách Hàn Quốc vài ngàn dặm. Tranh cãi giữa hai bên khiến thoả thuận trang trải chi phí, hết hiệu lực vào ngày 31/12 vừa qua, chưa có triển vọng sớm được ký lại, Bloomberg dẫn đánh giá của một quan chức Hàn Quốc. 

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tuần qua nói Hàn Quốc phải đóng góp “nhiều hơn đáng kể” mức mà họ đề xuất để đạt được ngưỡng mà chính quyền Mỹ cho là công bằng. Chính quyền Mỹ cũng đang đề nghị các đồng minh khác bù đắp chi phí để Mỹ duy trì lực lượng ở nước ngoài.

Tranh cãi này là một trong nhiều vấn đề đang tạo sức ép lên quan hệ Mỹ - Hàn, trong lúc ông Trump đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng tới. Trong những tuần gần đây, ông Kim đưa ra yêu cầu Mỹ phải rút các “tài sản chiến lược” khỏi khu vực và chấm dứt các chương trình tập trận chung. 

“Lo ngại chính của tôi là một trận bão hoàn hảo sẽ ập đến khi mong muốn rút quân của ông Trump được củng cố, nếu ông ấy lầm tưởng rằng ông ấy có thể đổi điều đó lấy vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và nếu các đồng minh không thể nhất trí về thoả thuận chi trả trước cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim tiếp theo”, ông Duyeon Kim, nhà nghiên cứu công tác tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, đánh giá. “Đó sẽ là cuộc khủng hoảng ngay trước mắt đối với Hàn Quốc trước mối đe dọa vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”, ông Duyeon Kim nói.

Tranh cãi về chuyện chia sẻ chi phí là một trong những vấn đề an ninh tồn đọng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từ chức hôm 20/12 vì quan điểm khác biệt với ông Trump trong vấn đề giá trị của các mối quan hệ đồng minh. Thoả thuận có hiệu lực trong 5 năm và cần được quốc hội hai nước thông qua đã hết hạn 11 ngày sau khi ông Mattis ra đi.

Dù Mỹ không nêu rõ về đóng góp của Hàn Quốc cho sự hiện diện quân sự của Mỹ, các quan chức Mỹ nói rằng Seoul chi trả khoảng một nửa chi phí nhân sự tại địa phương. Hàn Quốc cho biết họ chi khoảng 960 tỷ won (849 triệu USD) trong năm ngoái, cho việc xây dựng các cơ sở quân sự của Mỹ và trả lương những thường dân Hàn Quốc làm việc tại các đồn quân sự. 
Khi thỏa thuận sắp hết hạn, Mỹ đột nhiên đòi Hàn Quốc chi 1,4 nghìn tỷ won (1,2 tỷ USD), nghị sĩ Hong Young-pyo, lãnh đạo phe Dân chủ tại Quốc hội Hàn Quốc, tuần trước cho biết. “Đúng là điều không mong muốn khi yêu cầu đơn phương của một nước làm suy giảm lòng tin của đồng minh và gây chia rẽ”, ông Hong nói.

“Cả hai bên đều muốn đạt được thoả thuận càng nhanh càng tốt”, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tuần trước nói với CNN. “Vẫn còn có tranh luận qua lại. Chúng tôi chưa nhất trí, nhưng rất muốn thu hẹp khoảng cách”, bà Kang nói. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng cam kết của Mỹ đối với an ninh của Hàn Quốc vẫn cứng như thép. 

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.