Mỹ đòi Hàn Quốc trả 1,2 tỷ USD cho Lực lượng Mỹ - Hàn

Ảnh minh họa của Yonhap về các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí cho Lực lượng Mỹ- Hàn.
Ảnh minh họa của Yonhap về các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí cho Lực lượng Mỹ- Hàn.
TPO - Một nguồn tin ngoại giao cho biết, chính phủ Mỹ đã đòi Hàn Quốc phải trả 1,2 tỷ USD cho Lực lượng Mỹ - Hàn (USFK) trong năm nay (tăng tới 41%) nhưng Hàn Quốc không chấp thuận.

Ngoài ra, Mỹ cũng đòi chỉ ký hợp đồng 1 năm, thay vì kéo dài 3-5 năm như mong muốn của  Seoul.

Năm ngoái,  các nhà ngoại giao kỳ cựu của hai nước đồng minh này đã trải qua 10 vòng đàm phán về việc chia nhỏ gánh nặng tài chính của USFK với 28.500 người. Tuy nhiên, họ đã không ra được thỏa thuận.

Năm 2018, Seoul đã đóng góp 960 tỷ won theo thỏa thuận 5 năm được ký vào năm 2014. Tuy nhiên gần đây, Mỹ thông qua một kênh ngoại giao bỗng dưng yêu cầu Hàn Quốc phải trả 1,2 tỷ USD ( tương đương 1,35 nghìn tỷ won). Điều này có nghĩa là sự đóng góp của Hàn Quốc trong năm nay bị tăng vọt lên 41%  so với năm ngoái.

Theo một nguồn tin trích dẫn từ hướng dẫn  từ lãnh đạo cao nhất, Washington cho biết, họ không thể chấp nhận số tiền đóng góp dưới 1 tỷ USD trong bất kỳ trường hợp nào.  Trong khi đó, Hàn Quốc duy trì mức đóng góp của mình không được vượt quá 1 nghìn tỷ won. Với Hàn Quốc, tổng số tiền đóng góp và thời hạn hợp đồng đều là những vấn đề quan trọng.

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói với các phóng viên rằng có một khoảng cách "rất lớn" giữa hai bên về việc chia sẻ chi phí của USFK.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris đã tới văn phòng tổng thống Hàn Quốc để truyền đạt quan điểm của Washington về vấn đề này.

Từ năm 1991, USFK đã sử dụng tiền của người nộp thuế Hàn Quốc để trả lương cho công nhân Hàn Quốc làm công việc xây dựng và hậu cần tạ.i đây

Tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã công khai chỉ trích một số đồng minh trên Twitter của mình. Ông viết: “ Chúng ta đang trợ cấp đáng kể cho quân đội của nhiều quốc gia rất giàu trên toàn thế giới, đồng thời các quốc gia này tận dụng tối đa lợi thế của Mỹ và những người nộp thuế của chúng ta” 

Thỏa thuận biện pháp đặc biệt mới (SMA) với Hàn Quốc sẽ là thỏa thuận chi phí quốc phòng lớn đầu tiên của Mỹ với một đồng minh dưới thời chính quyền ông Trump. Thỏa thuận này có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán tương tự của Washington với Nhật Bản và NATO vào năm tới.

Theo Yonhap
MỚI - NÓNG