Mỹ gần như ‘bó tay’ khi Nga – Triều siết chặt hợp tác

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong những tuần qua, Mỹ nhiều lần cảnh báo Triều Tiên chớ cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Mỹ gần như ‘bó tay’ khi Nga – Triều siết chặt hợp tác ảnh 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp ngày 13/9 tại vùng Viễn Đông của Nga. (Ảnh: Sputnik)

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Washington không thể làm gì nhiều để ngăn Mátxcơva và Bình Nhưỡng hợp tác chặt chẽ hơn.

“Mỹ hiện nay không có bất kỳ đòn bẩy nào với Triều Tiên”, Jenny Town, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Stimson ở Washington, nhận định.

“Mỹ có thể áp thêm biện pháp trừng phạt, có thể tăng cường ngăn chặn, có thể khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn, nhưng không thể ngăn họ có quan hệ bình đẳng với các quốc gia khác, nhất là khi bản thân chúng tôi còn không có quan hệ với họ”, bà Jenny Town nói.

Trong cuộc gặp ngày 13/9, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cam kết hỗ trợ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến chống lại “các thế lực bá quyền” đe dọa an ninh và lợi ích của Mátxcơva.

Ông Kim hiếm khi rời khỏi đất nước, nhưng lần này ông đến thăm Vostochny Cosmodrome, một trung tâm vũ trụ của Nga ở vùng Viễn Đông, và có cuộc gặp Tổng thống Putin trong nhiều giờ đồng hồ.

Hai nhà lãnh đạo không đưa ra thông báo công khai nào liên quan đến vũ khí, nhưng ông Kim gửi tín hiệu mạnh mẽ về việc ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

“CHDCND Triều Tiên luôn bày tỏ sự ủng hộ đầy đủ và vô điều kiện với mọi biện pháp mà Chính phủ Nga thực hiện. Và nhân dịp này, tôi tái khẳng định rằng chúng tôi sẽ luôn sát cánh với Nga trên mặt trận chống đế quốc và mặt trận độc lập”, ông Kim nói.

Giới chức Mỹ cho rằng Nga đang tìm kiếm vũ khí từ Triều Tiên, vì Triều Tiên vẫn còn một số lượng lớn vũ khí đạn dược từ thời Liên Xô và tự sản xuất.

Tuần trước, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng hai nước sẽ phải “trả giá” nếu ký thỏa thuận vũ khí. Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ dọa sẽ tiếp tục trừng phạt nếu Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí cho Nga.

Tuy nhiên, Triều Tiên và Nga đều đã là hai quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới.

Mark Barry, một nhà phân tích độc lập về các vấn đề châu Á, cho rằng Mỹ có thể áp thêm các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên, nhưng sẽ không thể ngăn Bình Nhưỡng hợp tác với Mátxcơva.

Năm ngoái, Mỹ cáo buộc Triều Tiên âm thầm chuyển đạn pháo cho Nga. Cả Bình Nhưỡng và Mátxcơva đều bác bỏ cáo buộc này.

Theo các chuyên gia, dù vũ khí và đạn dược của Triều Tiên có thể giúp tăng sức mạnh của Nga trên chiến trường Ukraine, nhưng sẽ không tạo nên tác động mang tính quyết định đối với cục diện cuộc chiến.

“Liệu các vũ khí nhỏ và đạn pháo của Triều Tiên có thể kéo dài nỗ lực của Nga không? Có thể, nhưng sẽ không thể trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi”, bà Jenny Town nói.

Nhà phân tích Mark Barry cho rằng Nga và Triều Tiên sẽ phải xử lý khó khăn về hậu cần, để vận chuyển đạn dược qua hàng ngàn dặm. Việc vận chuyển như vậy có thể mất hàng tháng.

Theo các chuyên gia, ngoài liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, cuộc gặp ngày 13/9 giữa ông Kim và ông Putin còn có thể hướng đến vấn đề lớn hơn, đó là quan hệ liên minh giữa Triều Tiên và Nga, có thể bao gồm cả Trung Quốc.

Bà Town cho rằng Mátxcơva, Bình Nhưỡng và Bắc Kinh có thể có mục tiêu khác nhau, nhưng ba nước sẽ tăng cường hợp tác để chống lại thứ họ coi là “khối đối ứng” của Washington, Seoul và Tokyo ở Đông Bắc Á.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn gia tăng khi Mỹ tiếp tục tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản, còn Triều Tiên tăng cường phóng thử tên lửa đạn đạo.

Đầu năm nay, Triều Tiên cảnh báo nguy cơ đối đầu hạt nhân sau khi Mỹ điều một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân đến cảng Hàn Quốc.

“Hiện có một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á. Ý tưởng rằng Triều Tiên sẽ đơn phương đồng ý giữa chừng cuộc chạy đua vũ khí để hạn chế phát triển vũ khí của họ là điều không thực tế”, bà Town nhận định.

Sau những cuộc gặp thất bại với chính quyền Trump năm 2019, Triều Tiên càng làm sâu sắc hợp tác với Nga và Trung Quốc, nhất là khi Mátxcơva bị phương Tây áp hàng loạt biện pháp trừng phạt.

Theo các chuyên gia, việc hình thành các nhóm nhỏ có thể dẫn đến leo thang và xung đột kéo dài.

“Điều đó khiến mọi thứ khó khăn hơn, khó vượt qua giới hạn về ý thức hệ hơn. Nó có thể dẫn đến những hành động táo bạo hơn nếu có cảm giác về an ninh tập thể giữa ba quốc gia bị đe dọa”, bà Town nhận định.

Theo Aljazeera
MỚI - NÓNG