Tuy nhiên, Nhà Trắng đang đau đầu về việc làm thế nào để tấn công phiến quân Hồi giáo mà không trợ giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Lầu Năm Góc đã điều các máy bay trinh sát có người lái và không người lái vào không phận Syria, kể cả loại máy bay do thám tầm cao U2.
Các chuyến bay do thám là bước quan trọng dẫn tới việc Mỹ trực tiếp can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến kéo dài 3 năm qua ở Syria.
Giới chức Mỹ cho biết, Mỹ không có ý định thông báo cho chính quyền của ông Assad về kế hoạch này. Với kế hoạch tấn công IS ở Syria, Mỹ có thể được coi như giúp đỡ chính quyền Syria, dù không chủ ý (ông Obama xưa nay luôn kêu gọi lật đổ Tổng thống Assad). Đây không phải lần đầu Mỹ vào không phận Syria mà không xin phép. Hồi tháng 7, đặc nhiệm Mỹ tiến hành chiến dịch giải cứu nhà báo James Foley trên lãnh thổ Syria, nhưng bất thành (ông Foley gần đây bị IS chặt đầu).
Hôm 25/8, Tổng thống Obama họp với Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và các cố vấn để bàn bạc các lựa chọn thích hợp nhất. Nhà Trắng nói ông Obama vẫn chưa quyết định có tấn công quân sự vào Syria hay không. Tuy nhiên, Nhà Trắng thông báo, nếu Tổng thống ra lệnh, Mỹ không có kế hoạch hợp tác với ông Assad hay báo trước cho nhà lãnh đạo Syria trước khi thực hiện bất cứ chiến dịch nào.
Cùng ngày, Syria cảnh báo Mỹ cần hợp tác không kích chống phiến quân IS, nếu không, nước này sẽ coi đó là sự vi phạm chủ quyền và là một “hành động xâm lược”.
Dù cảnh báo Mỹ chớ đơn phương không kích phiến quân IS trên lãnh thổ Syria, nhưng Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tuyên bố: “Syria sẵn sàng hợp tác và phối hợp ở cấp độ khu vực và quốc tế để chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố”. Tổng thống Assad lâu nay vẫn cố gắng mô tả lực lượng nổi dậy chống lại ông là một mối đe dọa khủng bố.
Reuters dẫn lời học giả Pháp Fabrice Balanche (chuyên nghiên cứu về Syria): Rõ ràng, ông Assad đang trên đà giành thắng lợi tại Syria. Chuyên gia Pháp về quan hệ quốc tế Bertrand Badie nhận định, trên bình diện quốc tế, “mọi người đều muốn ông Assad tiếp tục cầm quyền thay vì bị lật đổ và IS tiến vào Damascus”.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Benjamin Rhodes cho rằng “đây không phải trường hợp kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Ông Rhodes lo hợp tác với chính quyền Assad có thể làm cộng đồng Hồi giáo Sunni ở Syria và Iraq xa lánh Mỹ, trong khi đây là lực lượng cần thiết giúp đánh bại IS. Giới chức Mỹ thừa nhận, hiểm họa bất ngờ từ IS đối với Mỹ đã làm phức tạp mọi tính toán, khiến Mỹ bị cuốn vào cuộc xung đột mà ông Obama cố tránh.
“Mối họa cho thế giới”
Liên Hợp Quốc lên án IS gieo rắc nỗi kinh hoàng, với các vụ thảm sát tập thể tù nhân hết sức dã man có thể coi là tội ác chiến tranh. Truyền thông phương Tây gọi IS là “mối họa cho thế giới”.
Theo hãng tin Anh Reuters, Cao ủy LHQ về nhân quyền Navi Pillay lên án IS “vi phạm nghiêm trọng, kinh hoàng quyền con người” trong quá trình chiếm đóng một vùng rộng lớn tại Iraq và Syria.
Hơn 670 tù nhân đã bị phiến quân hành quyết trong một vụ thảm sát tại nhà tù Badush ở thành phố Mosul (Iraq). Trong số 1.000-1.500 tù nhân, các tay súng lọc ra hơn 670 người, chửi bới, nhục mạ, bắt xếp thành 4 hàng, bắt quỳ gối rồi xả súng vào họ.
Hai báo Pháp Le Monde và La Croix nhận định, IS thực sự là một mối họa cho thế giới. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, IS có đến 12.000 chiến binh thánh chiến đến từ 50 quốc gia, sở hữu nhiều thiết bị tinh vi thu được từ quân đội Iraq, có trong tay hàng tỷ USD nhờ chiến lợi phẩm và tiền bán dầu.
Lực lượng này sở hữu căn cứ địa rộng lớn, nguồn tài chính dồi dào, có ý thức hệ hẳn hoi, được tổ chức rất chặt chẽ và còn cực đoan, cuồng tín hơn cả al-Qaeda. IS đánh thắng như chẻ tre và chỉ bị chặn lại ở Iraq, khi Mỹ không kích hậu thuẫn quân đội Iraq và lực lượng người Kurd.
Ngày 24/8, các chiến binh IS tiếp tục đánh chiếm căn cứ không quân lớn Tabqa phía đông bắc Syria, sát hại gần 200 binh sĩ chính phủ.
Mỹ đang cân nhắc việc thành lập liên minh gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Ảrập Xêút để chống lại IS. Lầu Năm Góc cũng có thể huấn luyện và trang bị cho lực lượng đối lập ở Syria (Quân đội Syria Tự do) đối phó IS.