Theo Global Times, với khả năng phát động một cuộc tấn công hạt nhân, các máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Trung Quốc. Tờ báo nhấn mạnh, việc Mỹ điều các máy bay ném bom tới Guam dường như phần nhiều là nhằm đánh đòn tâm lý với Trung Quốc và sẽ khó lòng tiến hành một cuộc tấn công đường không thật sự trên thực tế. Mỹ đang nhắm tới mục tiêu buộc Trung Quốc phải chi tiêu nhiều nguồn lực hơn để củng cố khả năng phòng không.
Theo Global Times, nếu chi tiêu vượt quá nhiều vào việc phát triển các hệ thống phòng không, Trung Quốc sẽ không đủ khả năng tiếp tục bành trướng sức mạnh ra châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, điều mà quân đội Trung Quốc cần là phát triển thêm các hệ thống vũ khí tấn công có khả năng đánh tới Guam nằm cách đại lục 2.900km.
Các hệ thống vũ khí mới của Trung Quốc bao gồm loại tên lửa đạn đạo chống hạm được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” DF-21, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, một tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược H-6K mang tên lửa hành trình tầm xa CJ-10. Tuy nhiên, do không có khả năng tàng hình nên sẽ cực kỳ nguy hiểm cho máy bay oanh tạc H-6K (vốn được phát triển dựa trên loại máy bay ném bom Tu-16 dưới thời Liên Xô) khi thực hiện các cuộc tấn công tầm xa. Do đó, Trung Quốc cần phải phát triển một phiên bản máy bay ném bom tàng hình riêng của mình trong tương lai gần, Global Times hô hào.
Trung Quốc và Nga đang tìm cách chuyển giao cho quân đội Iran các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng thủ như một phần chiến lược chống Mỹ, mạng Trung Quốc Sina Military Network đưa tin. Trung Quốc được cho là sẽ cung cấp cho Iran một phi đội máy bay tiêm kích tiên tiến, trong khi không quân Iran hiện sở hữu khoảng 500 máy bay các loại. Nga được cho là đang cung cấp cho Iran phiên bản nâng cấp của hệ thống tên lửa phòng không S-300.
Trung Quốc sắp hoàn tất thỏa thuận bán cho Iran 150 máy bay chiến đấu J-10, theo Sina Military Network. Những tấm ảnh bị rò rỉ trên mạng gần đây cho thấy hơn 10 chiến đấu cơ J-10B xếp hàng đã được sơn màu của lực lượng không quân Iran. Máy bay đa nhiệm J-10 hiện là lực lượng nòng cốt của không quân và không quân hải quân Trung Quốc. Loại máy bay chiến đấu do Trung Quốc tự sản xuất được trang bị các loại tên lửa không đối không PL-10, PL-11, PL12, tên lửa chống hạm YJ-62, YJ-91, tên lửa hành trình YJ-83, mang các loại bom LT-2, LS-6 hoặc Type 200A.