Mỹ níu kéo khách hàng
Theo nguồn tin quân sự Mỹ, động thái này là một phần của thỏa thuận trị giá 700 triệu USD, được 2 nước kí từ năm 2012, nhằm cung cấp cho Indonesia 24 chiến đấu cơ F-16C/D loại biên của Mỹ nhưng đã được nâng cấp từ phiên bản Block 25 lên chuẩn Block 52.
Ngày 17/3, Không quân Mỹ thông báo cho biết, những chiếc F-16C/D này từng được dùng bởi không quân và vệ binh quốc gia Mỹ nhưng đã bị loại biên và niêm cất trong kho tại căn cứ Davis-Monthan tại Tucson, bang Arizona.
Sau khi hợp đồng với Indonesia được ký kết, tháng 5/2013, các máy bay này được đưa đến căn cứ Hill để tân trang sửa chữa, thay hệ thống điện tử, đại tu cánh, gắn bánh xe đáp.
Với thương vụ F-16 cũ này, đây được coi là hợp đồng mua bán vũ khí dư thừa lớn nhất giữa Mỹ và Indonesia từ trước đến nay. Hợp đồng 700 triệu USD với Indonesia để mua 24 chiếc F-16C/D đã bao gồm công sửa chữa và nâng cấp máy bay.
Dù được Mỹ đánh giá hoạt động khá tốt sau nâng cấp lên chuẩn Block 52, tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia hàng không quân sự, bản Mỹ xuất khẩu cho Indonesia tương đương với F-16IQ (phiên bản F-16 Mỹ sản xuất riêng cho Iraq) có khả năng không mấy ấn tượng.
Máy bay F-16 Block 52 hiện vẫn thua kém phiên bản F-16 IN Super Viper (phát triển từ phiên bản F-16E/F Block 60) vốn được Mỹ chào hàng cho Ấn Độ trong chương trình MMRCA với giá 63 triệu USD một chiếc (đã bao gồm cả chi phí huấn luyện và phụ tùng thay thế).
Không chỉ vậy, theo các ý kiến trên diễn đàn quân sự iraqmilitary.org, những chiếc F-16 Block 52 không giải quyết được nhu cầu thực sự của khách hàng, thậm chí trong số các vũ khí trong hợp đồng được mua không có những loại hiện đại như tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn AMRAAM, các loại bom dẫn đường GPS, tên lửa chống radar hay các thiết bị làm nhiễu tên lửa.
Vì vậy, F-16 của Không quân Indoneisa khó có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình khi tình hình khu vực đang đầy bất ổn do liên quan đến tranh chấp biển đảo mà nước này có liên quan.
Cách chơi của Nga
Mục đích Mỹ chuyển giao F-16 cho Indonesia đã khá rõ ràng, tuy nhiên chừng ấy là chưa đủ để tạo nên sự cạnh tranh với Nga tại quốc gia Đông Nam Á này.
Hôm 23/3, Đại sứ Indonesia tại Nga Vahid Supriyadi tuyên bố trước truyền thông Nga rằng, lực lượng không quân nước này sẽ mua 8 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35 của Nga, cùng với việc sản xuất nhiều chiếc khác theo điều khoản chuyển giao công nghệ.
Ông Vahid Supriyadi nhấn mạnh rằng, về cơ bản là hai bên đã hoàn tất quá trình đàm phán các điều khoản hợp đồng mua máy bay do Nga sản xuất, hiện đang bàn về giai đoạn quyết toán, đặc biệt là vấn đề phía Nga chuyển giao công nghệ sản xuất Su-35 cho Indonesia.
Ông cho bết, hiện vẫn chưa rõ cụ thể là nước này sẽ sản xuất bao nhiều chiếc Su-35 sau khi được chuyển giao công nghệ nhưng tại thời điểm này có thể khẳng định rằng, thông tin chắc chắn là phía Indonesia sẽ mua 8 chiếc Su-35 sản xuất tại Nga.
Theo ông, đây là giai đoạn đầu tiên của sự hợp tác trong lĩnh vực này, còn giai đoạn 2 là hợp tác chuyển giao công nghệ để nâng tầm ngành công nghiệp quốc phòng nước này mới là quan trọng. Luật pháp của Indonesia quy định, mỗi thiết bị quân sự được mua phải đi kèm với việc chuyển giao công nghệ.
Đặc biệt, qua các cuộc đàm phán, phía Nga không quan ngại Indonesia về vấn đề chuyển giao công nghệ. Do đó, hiện giờ chỉ còn lại vấn đề thủ tục quyết toán cuối cùng và ký hợp đồng chính thức, nhà ngoại giao này cho biết.
Và rõ ràng, với nước cờ Nga đã chọn khi bán tiêm kích cho Indonesia thì việc chỉ chuyển giao những chiếc F-16 không phải là tốt của Mỹ đã không thực sự gây ấn tượng với khách hàng.