Sau nhiều tháng trì hoãn, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã cho phép Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương điều tàu chiến tiến sát các khu vực tranh chấp ở biển Đông, còn Trung Quốc đe dọa đáp trả sự hiện diện hải quân Mỹ bằng việc quân sự hóa tại khu vực. Tuy nhiên, theo Asia Times, không nên trông đợi Mỹ điều tàu sân bay USS Ronald Reagan và nhóm tác chiến tàu sân bay đi qua vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông. USS Ronald Reagan đã cập cảng nhà Yokosuka (Nhật Bản) từ 1/10 để thay thế tàu sân bay USS George Washington. Thay vì điều nhóm tác chiến tàu sân bay, Mỹ rất có thể sẽ điều một trong các tàu tác chiến ven bờ mới thực hiện nhiệm vụ thực thi tự do hàng hải ở biển Đông trong vòng hai tuần tới.
Lần gần đây nhất hải quân Mỹ thực thi tự do hàng hải ở biển Đông là hồi tháng 5, khi tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth hành hải gần quần đảo Trường Sa. Nhưng chiến hạm này không tiến vào vùng 12 hải lý của khu vực đảo tranh chấp đang diễn ra các hoạt động xây dựng ồ ạt của Trung Quốc. Một trực thăng cất cánh từ tàu đã bay gần đảo.
Tư lệnh hải quân mới của Mỹ, đô đốc John Richardson, phát biểu trên tàu sân bay Reagan rằng, thực thi tự do hàng hải là việc làm hoàn toàn bình thường. “Tôi không thấy việc đó có thể được diễn giải như hành động khiêu khích theo bất cứ cách nào”, ông Richardson nói. Chính quyền Obama nhiều tháng nay phải chịu sức ép về việc thực thi hàng hải do chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris, hối thúc. Vị đô đốc này lo ngại rằng, sự phản ứng yếu ớt của Mỹ với yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc sẽ bị hiểu sai là sự im lặng đồng ý, trừ phi có một sự biểu dương lực lượng trong khu vực thách thức yêu sách chủ quyền ngang ngược của Bắc Kinh.
Bắc Kinh hung hăng
Những hoạt động quân sự gần đây của Mỹ ở biển Đông chỉ giới hạn ở việc thu thập thông tin tình báo, với các chuyến bay của máy bay tuần tra P-8 và máy bay không người lái Global Hawk. Theo quan chức quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đã sử dụng thiết bị tác chiến điện tử cố gắng cắt đứt tín hiệu liên lạc của các chuyến bay Global Hawk. Kiểm soát không lưu không quân Trung Quốc đã ra lệnh cho máy bay P-8 rời khỏi khu vực.
Xinhua ngày 17/10 cáo buộc Mỹ “khiêu khích” khi mưu toan vi phạm “chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc”, “phá hoại hòa bình khu vực và quân sự hóa biển Đông”. Bắc Kinh thậm chí còn so sánh việc Mỹ thực thi tự do hàng hải với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Giới chức Trung Quốc còn vạch kế hoạch đối phó hoạt động của hải quân Mỹ trên các phương tiện truyền thông nhà nước khác.
Người phát ngôn của Trung Quốc nói rằng, một cuộc đụng độ quân sự là điều không mong muốn, trừ phi chiến hạm Mỹ tiến vào vùng 12 hải lý. Nếu như các tàu chiến Mỹ ở trong khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc mới xây dựng, Bắc Kinh sẽ điều tàu hải quân để buộc tàu Mỹ rời khỏi đó. “Trung Quốc sẽ không bao giờ dung thứ cho bất cứ hành động khiêu khích quân sự hoặc vi phạm nào của Mỹ hoặc của bất kỳ nước nào khác, đúng như Mỹ đã từng làm 53 năm trước”, Xinhua tuyên bố.
Tuy nhiên, Mỹ nhắc lại rằng, Washington không thừa nhận các đảo tranh chấp là lãnh thổ Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter mới đây tuyên bố: “Chớ sai lầm, chúng tôi sẽ bay, hành hải và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ làm việc đó vào thời gian và địa điểm chúng tôi chọn”. Hai bên gầm ghè khiến gia tăng nguy cơ Lầu Năm Góc tế nhị gọi là một “sự tính toán nhầm”, tức một dạng chạm trán có thể dẫn tới xung đột hải quân.
Một báo cáo thường niên của Ủy ban Đánh giá An ninh-Kinh tế Mỹ-Trung thuộc Quốc hội Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ xung đột trên biển Đông. “Căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác có khả năng châm ngòi một cuộc đụng độ vũ trang, đe dọa ổn định khu vực, nền kinh tế toàn cầu và liên quan tới Mỹ”, Ủy ban nêu rõ. Báo cáo còn nhấn mạnh rằng, việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo “có thể củng cố khả năng chống tiếp cận, tiềm tàng thách thức khả năng quân đội Mỹ tự do hoạt động tại khu vực”. Báo cáo lưu ý, Trung Quốc cố kiểm soát biển Đông có thể nhằm bẻ gãy nỗ lực của hải quân Mỹ bảo vệ Đài Loan trong một cuộc xung đột với đại lục trong tương lai.
Báo cáo còn cung cấp chi tiết về quá trình Trung Quốc quân sự hóa quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), bao gồm xây dựng một đường băng trên đá Chữ Thập và kênh nước dành cho chiến hạm. Các công trình quân sự tương tự và hai đường băng khác cũng đang được gấp rút xây dựng tại đá Subi và đá Vành Khăn. Trong khi đó, tại đá Châu Viên, một sân bay trực thăng thứ hai và trạm radar đã được xây xong. Còn tại đá Gaven, một trung tâm thông tin liên lạc thứ hai đã hình thành. Ở đá Gạc Ma và đá Tư Nghĩa, các cảng mới và cơ sở quân sự cũng đang được gấp rút hoàn thiện. Hoạt động quân sự của Trung Quốc ở biển Đông được mô tả trong báo cáo như một “cách tiếp cận cắt lát Salami từ từ” nhằm củng cố yêu sách chủ quyền lãnh hải thông qua gia tăng các hành động bồi lấp. Cách tiếp cận của Trung Quốc bắt đầu thay đổi từ cuối năm 2013 với việc đẩy nhanh việc bồi lấp, cải tạo đảo.
Theo Asia Times, sự phô trương sức mạnh sắp tới sẽ là một phép thử đối với ý chí bảo vệ lợi ích của Mỹ tại Đông Nam Á - khu vực đang ngày càng lo ngại về sự bá quyền của Bắc Kinh. Thiếu vắng một sự thể hiện quân sự mạnh mẽ hơn, màn phô trương sẽ kết thúc với sự có lợi cho Trung Quốc và hủy hoại nghiêm trọng hơn sự ổn định khu vực, Asia Times nhận định.