Muốn mở ngành mới phải có ý kiến của 2 cơ quan tuyển dụng

TPO - Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học.  

Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo. Việc mở ngành đào tạo đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo.

Tên ngành đăng ký đào tạo phải có trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV theo quy định.

Trường hợp ngành đăng ký đào tạo chưa có trong Danh mục đào tạo (gọi là ngành mới) thì cơ sở đào tạo phải làm rõ: Luận cứ khoa học, nhu cầu của xã hội về ngành mới này (trong đó có ít nhất 02 (hai) ý kiến về sự cần thiết đào tạo của 02 (hai) cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo); 

Thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới kèm theo ít nhất 2 chương trình đào tạo tham khảo của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng hoặc cho phép thực hiện và cấp văn bằng (trừ các ngành chỉ có đào tạo ở Việt Nam hoặc các ngành liên quan đến an ninh, quốc phòng).

Đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu phải bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện đào tạo trình độ ĐH của các ngành khác đang đào tạo. Trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ (TS) cùng ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo trước cơ sở đào tạo và xã hội.

Cụ thể, có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ (ThS) trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó ít nhất 1 TS và 4 ThS, hoặc 2 TS và 2 ThS cùng ngành đăng ký đào tạo; trừ các ngành riêng biệt dưới đây:

Đối với những ngành thuộc nhóm ngành ngôn ngữ và văn hoá nước ngoài (trừ các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc) phải có ít nhất 6 giảng viên cơ hữu có trình độ ThS trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có 1 TS và 3 ThS, hoặc 2 TS và 1 ThS cùng ngành đăng ký đào tạo.

Đối với một số ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe: Giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo nhóm ngành sức khoẻ theo quy định. Mỗi môn học thuộc kiến thức cơ sở ngành hoặc chuyên ngành của chương trình đào tạo phải có ít nhất 1 giảng viên cơ hữu có văn bằng, luận văn, luận án tốt nghiệp phù hợp với môn học chịu trách nhiệm giảng dạy.

Đối với ngành đăng ký đào tạo thuộc nhóm ngành Nghệ thuật phải có ít nhất 10 (mười) giảng viên cơ hữu cùng ngành hoặc ngành gần, trong đó phải có 01 (một) tiến sĩ và 03 (ba) thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.

Giảng viên cơ hữu giảng dạy ít nhất 70% khối lượng chương trình đào tạo; khối lượng kiến thức còn lại do giảng viên thỉnh giảng (trong và ngoài nước) đã được ký kết hợp đồng thỉnh giảng với cơ sở đào tạo thực hiện. Các giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng đều phải có chuyên môn  phù hợp với nội dung các học phần được phân công giảng dạy.

Đối với cơ sở đào tạo ngoài công lập, phải có tối thiểu 40% giảng viên cơ hữu giảng dạy ngành đăng ký đào tạo trong độ tuổi lao động.

Thẩm quyền quyết định mở ngành là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, giám đốc ĐH quốc gia, giám đốc các ĐH vùng được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ủy quyền và hiệu trưởng các trường ĐH được giao tự chủ.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 23/10/2017.

MỚI - NÓNG