Mượn ma để vẽ… người

“Hoa hồng”- tranh của Nguyễn Khánh Toàn.
“Hoa hồng”- tranh của Nguyễn Khánh Toàn.
TP - Triển lãm Âm của Nguyễn Khánh Toàn diễn ra tại phòng tranh Cuci 22A Hai Bà Trưng đến 13/12 đặc biệt miêu tả các đối tượng nhiều người sợ nhưng chưa nhìn thấy bao giờ: Ma. Nhưng bản thân tác giả lại không tin rằng có ma.

Các bức tranh tại triển lãm có tên: Tưởng niệm, Chúa mang đi, Đưa tang, Đi đám, Dưới gốc đa, Cây đa Viện Sản và Cây đa Viện Nhi, Lè lưỡi… hoặc Mút ngón tay, Phố hoa, Tắm biển, Rock Hà Nội, Hoa hồng, Gia đình nhỏ, Phúc Lộc Thọ… Dù tên gì thì những nhân vật chính trong tranh đều khá giống hình dung của đa số về ma. Những thân hình trắng toát không rõ mặt bay bổng với những chiếc lưỡi đỏ lè ra, có con mồm mọc lông hoặc tay cụt đỏ lừ. Cây cối trong tranh Nguyễn Khánh Toàn cũng trắng và đỏ như tay cụt của các con ma. Sự què cụt vốn chỉ có ở sinh vật sống nay được khoác cho ma. Toàn vẽ vậy những muốn cho ma “thật hơn, có chất người hơn”.

Các bức tranh thực hiện trên chất liệu giấy bồi mà nguyên liệu chính là tiền vàng âm phủ. Toàn khoái chất liệu này ở chỗ hồ dán làm cho màu tranh biến đổi mà chính họa sĩ cũng không kiểm soát hết được. Toàn chung thủy với ma từ lâu, chịu nhiều gian khổ cùng ma. Cây phù du - triển lãm và sắp đặt riêng đầu tiên của anh vào 2007 tại Studio Hội Vũ buộc phải đóng cửa chỉ vài tiếng sau khi khai mạc. Không cho phép triển lãm này diễn ra chính là người chủ có nhà cho thuê để làm phòng tranh. Trẻ con nhìn vào phòng tranh thì hét lên rồi chạy mất. Toàn thực hiện triển lãm này trong tiếng mắng mỏ của đại diện chủ nhà. Chắc hẳn họ cho rằng anh đang mang xui xẻo đến. Xem ra chất liệu và hình thù vàng mã cộng thêm sự sáng tạo của Toàn đem lại cho một số người xem cảm xúc mạnh như tiếp xúc với thế giới âm thật. Trước khi làm Cây phù du, tranh của Toàn tham gia một triển lãm chung ở Tràng Tiền cũng bị dỡ. Có vẻ như tác phẩm của Toàn đã “thành công” hơn chính anh mong đợi. “Tôi muốn người ta xem tranh của tôi như nhìn bàn thờ, nhìn vào cái chùa hoặc nhìn cây đa”, Toàn nói. Thực ra anh không muốn vẽ tranh để thờ mà chỉ muốn tạo ra trong người xem cảm giác ám ảnh, linh thiêng… như nhìn vào tranh thờ.

Điều thú vị là người vẽ ma lại không tin có ma, cũng không tin có kiếp sau. Điều này càng khẳng định anh chỉ mượn ma và thế giới của ma để diễn tả người và thế giới của người mà thôi.

Thời thế đã đổi thay, khi lên đồng không còn bị cấm đoán, các lễ cầu siêu được tổ chức một cách chính thống… thì những con ma của Toàn cũng được xổ lồng. Nhưng sự thực xem tranh của Toàn không có cảm giác sợ, thậm chí thấy thú vị, hài hước. Hình như anh đang vẽ chính thế giới của con người dưới một góc nhìn khác.

Toàn kể chính vợ anh cũng đã trải qua một vài khóa huấn luyện và có khả năng ngồi đồng, gọi nôm na là “ma nhập”. “Tôi mơ ước mà chưa bao giờ được như vậy”, họa sĩ thủng thẳng. Chị vợ trông hiền lành, với cặp kính trắng đầy vẻ trí thức ngồi cạnh chỉ cười mỉm. Toàn khai: “Cô ấy ghét tôi vẽ tranh. Vẽ tranh mất thời gian. Khi làm việc đầu óc lẫn lộn, không bình thường…”. Có vẻ nếu người ta bị ma nhập, thì Toàn bị tranh nhập. Khi nghĩ tới câu chuyện trong tranh, anh không còn ở trong thế giới thật nữa. Toàn còn hay uống rượu, nên có biệt hiệu Toàn say. Nhưng anh cho hay, uống rượu theo cảm hứng chứ không phải uống để vẽ tranh. Sở thích âm nhạc của anh cũng tương xứng với tranh anh vẽ. Đó là thể loại death rock (“death” có nghĩa là “chết”), trong đó tiếng hát chỉ còn là tiếng khào khào. Toàn không nghe từng bài mà cho chạy cả đĩa để đắm chìm trong thứ âm nhạc này.

Toàn, sinh năm 1974, được miêu tả là một họa sĩ ở ẩn. Anh rất ít xuất hiện trước công chúng, không treo tranh tại gallery. Tuy nhiên, một số tác phẩm đơn lẻ của anh từng được chọn triển lãm tại cả ba đợt liên tiếp trong chương trình Giới thiệu Hội họa Việt Nam tại Đại sứ quán Đan Mạch. Toàn lý giải phong cách ẩn dật của mình một cách đơn giản: “Điều ấy giúp mình làm việc đúng với ý của mình hơn”. Toàn vẽ chỉ để vẽ, hầu như không bị tác động bởi thị trường. Để kiếm sống, anh đã có nghề thiết kế đồ họa. “Tôi quan niệm vẽ cái gì phải mới cho mình, cho xung quanh. Nhiều khi muốn vẽ nhưng thấy lúc ấy suy nghĩ giống người khác, lại thôi”.

MỚI - NÓNG