Mức phí chưa điều chỉnh là "chưa phù hợp"
> 'Sốt xình xịch' với đề xuất thu phí giao thông
Liên quan đến đề xuất, kiến nghị về chủ trương thu phí mà Bộ GTVT đang đề xuất, PV phỏng vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng. Bộ trưởng Thăng ủy quyền cho Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lời bằng văn bản.
Cảnh thường ngày ở ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Q.Thanh Xuân, Hà Nội - Ảnh: Nam Khánh (Tuổi Trẻ). |
Chúng tôi trích đăng một số câu trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:
Bộ GTVT luôn cho rằng mức phí liên quan đến giao thông ở nước ta thấp hơn các nước trong khu vực. Nhưng người dân lập luận rằng thu nhập của người dân Việt Nam thấp hơn các nước nên mức phí này vẫn cao. Ý kiến của Bộ GTVT về việc này?
Mức thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức BOT của nước ta hiện nay thấp hơn rất nhiều so với mức thu của một số nước trên thế giới.
Mặc dù thu nhập của người dân chúng ta có thấp hơn so với thu nhập của người dân một số nước nhưng với mức thu phí đã được ban hành từ năm 2004 đến nay đã gần 10 năm chưa được điều chỉnh tăng là chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện tại, chưa thật sự tạo được động lực mạnh mẽ cho các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Về thu nhập bình quân đầu người thì từ năm 2004 (năm ban hành mức phí BOT đường bộ) đến nay thì thu nhập của người dân Việt Nam đã có sự tăng trưởng rất nhiều.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường - Ảnh: T.Phùng (Tuổi Trẻ). |
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sử dụng vốn ngân sách nhà nước, bản chất là dự án đầu tư công hình thành từ tiền thuế của dân, tại sao Bộ GTVT lại đặt quá nặng việc phải hoàn vốn công trình trong vòng 25 năm và thu phí cả QL1 để hoàn vốn? Nếu để hạn chế xe tránh đường cao tốc đi vào QL1 gây hư hỏng thì Bộ GTVT có thể có những cách khác mà không thu phí?
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đầu tư, nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2011. Dự án này thực hiện đầu tư từ nguồn vốn tạm ứng, sau đó thu phí để hoàn trả; thực tế đến nay vẫn chưa đủ tiền để thanh toán hết cho nhà thầu thi công. Để hoàn trả vốn đã ứng thi công dự án, Thủ tướng giao Bộ Tài chính trình đề án chuyển quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Dự án có tổng mức đầu tư lớn nên để hoàn vốn đã ứng cho dự án, giảm ách tắc trên QL1, thì ngoài việc tổ chức thu phí trên đường cao tốc cần thu phí trên QL1 (đoạn Bình Chánh - Trung Lương, song song với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương). Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án chuyển quyền thu phí này.
Việc tổ chức thu phí hoàn vốn trong 25 năm hay một thời hạn khác là hoàn toàn phụ thuộc vào các thông số tính toán về kinh tế, tài chính… của dự án. Tuy nhiên, ngày 13-3-2012 Chính phủ ban hành nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ cho nên Bộ GTVT đề nghị tạm thời chưa thu và sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay Bộ GTVT đang được giao thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng để đột phá hạ tầng. Phải chăng do đang phải chịu nhiều áp lực để tạo được sự đột phá hạ tầng giao thông nên Bộ GTVT chọn những giải pháp có thể thực hiện được ngay như thu phí để đạt mục tiêu sớm?
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta hiện nay còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hơn nữa theo hướng hiện đại.
Để đạt được mục tiêu đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chúng ta cần huy động nguồn lực tổng thể từ Nhà nước cũng như các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước.
Nhà nước cần có nghiên cứu sửa đổi một số chính sách về tài chính, thuế, phí, đất đai… để tăng tính thương mại của dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, từ đó tạo động lực kinh tế để các nhà đầu tư tham gia bỏ vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo Tuấn Phùng
Tuổi Trẻ