Mua vé tàu qua cò dễ 'mất cả chì lẫn chài'

Hành khách nên mua vé của nhà ga để tránh bị “cò” lợi dụng.
Hành khách nên mua vé của nhà ga để tránh bị “cò” lợi dụng.
Dù hệ thống bán vé điện tử của ngành Đường sắt đã được đưa vào phục vụ nhân dân, tuy nhiên, tại một số nhà ga, nhất là ga Sài Gòn và ga Hà Nội vẫn còn hiện tượng “cò” vé lừa hành khách.

Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV VNR cảnh báo hành khách không nên mua vé qua “cò”, vì nếu không trùng số chứng minh nhân dân (CMND) sẽ không được lên tàu.

Vẫn còn hiện tượng “cò vé” 

Đây là nhận định của ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty (TCT) Đường sắt Việt Nam (VNR)  tại cuộc họp đánh giá toàn diện việc bán vé tàu qua hệ thống điện tử của ngành Đường sắt phối hợp với FPT mới được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 11. Ông Thành cho biết thêm, vừa đi thực tế tại ga Sài Gòn và thấy hiện tượng “cò” vé là có thật. Ga Sài Gòn có hiện tượng khai CMND rởm để mua vé... Các “cò” vé tuyên bố có thể lo được cho hành khách lên tàu là không đúng.

“Chúng tôi đã quy định bán vé tàu qua mạng phải ghi số CMND của hành khách nhằm đảm bảo quyền lợi hành khách có nhu cầu đi tàu thực sự. Tất cả hành khách mua vé trên hệ thống bán vé điện tử đều phải ghi số CMND để hệ thống lưu và in trên vé. Nếu số CMND không khớp trên vé, coi như không hợp lệ”, ông Thành nói.

Trước câu hỏi của phóng viên, cho đến thời điểm này, ngành Đường sắt đã phát hiện bao nhiêu trường hợp “cò” vé đổi vé, khiếu nại rồi? Chủ tịch HĐTV chia sẻ: Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào như thế. Vị này nhấn mạnh, trong quá trình đổi vé, nếu không đúng chứng minh thư thì cũng không đổi được. Ngành Đường sắt tạo mọi điều kiện cho người dân, thậm chí những người già yếu, đối tượng chính sách đến đổi hoặc trả vé, chúng tôi cũng sẽ không thu tiền phí, thế nhưng, với những đối tượng khác thì phải đúng quy định. Trong trường hợp mua giúp người nhà, mà người nhà đau ốm, già cả không thể đi được nữa, thì sẽ giao cho trưởng ga căn cứ tình hình thực tiễn để giải quyết.

Đối tượng “cò” là đối tượng đang lừa đảo, vậy Nhà nước làm cách nào? Hành vi bán vé của họ là “cò”, nhưng hành động mua vé tại nhà ga thì là công dân, bởi vậy chỉ có người dân tự bảo vệ mình. Bảo vệ bằng cách mua vé đúng nơi, đúng chỗ.

Còn ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR cho biết, mục tiêu khi xây dựng hệ thống này là hành khách phải được hưởng dịch vụ thân thiện, giao diện đơn giản, dễ dùng, chống đầu cơ “vé chợ đen”. Bây giờ không thể mua hộ vé được.

“Bài toán mà TCT đặt hàng FPT là làm thế nào để cả tôi (TGĐ) cũng không can thiệp được khi có người nhờ mua giúp mới đạt yêu cầu”, ông Tùng nói. Ngoài ra, ông Tùng cũng cho biết, TCT đã phát hiện có những đối tượng dùng thủ đoạn để đặt chỗ. Để chống nạn đầu cơ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, nên áp dụng hình thức nếu hành khách mua vé trực tuyến và thanh toán qua thẻ ATM thì không cần đến nhà ga in vé, chỉ cần đưa code và số ghế phù hợp là có thể lên tàu. Ưu tiên khách mua theo hình thức này. Bên cạnh đó, làm sao để nếu trường hợp đưa số chứng minh thư giả thì không thể in được vé.

Phải tăng năng lực lên gấp 10 lần mới đáp ứng hết nhu cầu của người dân

Thực tế thời điểm này, hoạt động “cò” vé tại ga Sài Gòn diễn ra nhộn nhịp hơn so với ga Hà Nội, bởi nhu cầu đi từ Nam ra Bắc trước Tết tăng cao. Tuy nhiên, tại ga Hà Nội, chúng tôi cũng ghi nhận có hiện tượng “cò” vé hoạt động. Chỉ cần gửi xe là lập tức các “cò” xuất hiện mời chào mua vé. Tuy nhiên, các “cò” này chỉ dám hoạt động ngoài phạm vi ga. “Cò” là vấn đề khó xử lý triệt để nếu như cầu và cung cứ luôn chênh nhau mỗi dịp cao điểm. Song, để tránh tình trạng mất tiền oan, ông Trần Ngọc Thành khuyến cáo người dân: Nay bằng việc bán vé trên hệ thống thì mỗi người dân đã là một đại lý rồi. Với những người dân không đủ điều kiện về trình độ để tiếp cận công nghệ tin học, thì họ có thể đến 6.000 bưu cục của Tổng Công ty Bưu điện để đặt mua vé. Đương nhiên việc phân luồng khách sẽ giảm đổ về ga chính. Còn trong trường hợp nhiều người vẫn giữ thói quen đến ga mua vé mới yên tâm, thì tại các ga chính, ngành Đường sắt luôn mở 14 cửa vé để phục vụ người dân. Và người bán vé không có quyền ưu ái gì hơn, vì đó cũng là chiếc máy tính như bao người khác, họ thao tác và in vé giúp những người dân không thể vào mạng đặt vé. Vậy nên người dân đừng có tin lời “cò”. 

Khi được hỏi về lượng vé cung ứng ra thị trường năm nay của ngành Đường sắt, ông Thành cũng cho hay, số lượng vé tăng nhiều so với năm ngoái. Tuy nhiên, cung vẫn không đủ so với cầu. Sẽ có người hỏi, tại sao nhu cầu như thế mà không tăng tàu. Vâng, một bài toán đơn giản nhưng ngành Đường sắt vẫn chưa thể giải được. Lý do là vì đường sắt của mình là đường đơn, ngày chạy được 14 đôi tàu khách thống nhất là hết đường. Vậy thì tài nguyên được giới hạn, trong khi nhu cầu quá nhiều. Thế nên, chỉ vài ngày mở bán, vé ngày cao điểm đã được mua hết, bản thân tôi cũng thấy không vui. Tôi ước gì giờ đường sắt có đường đôi, để tôi có thể chạy không chỉ 28 chuyến tàu/ngày đêm (tương đương với 28.000 lượt khách/ngày) mà nhiều hơn con số này gấp vài lần, thì nhu cầu mới có thể đáp ứng được. Để đáp ứng nhu cầu của đường sắt dịp cao điểm, thì năng lực phải tăng lên gấp 10 lần bây giờ.

Tại cuộc họp gần đây về hệ thống bán vé tàu điện tử, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam áp dụng mức phí hủy vé tàu chỉ 5%. Bộ trưởng cho biết, đa phần hành khách đi tàu là công nhân, lao động nghèo, nên mức phí hủy vé cũng cần thấp để chia sẻ khó khăn với người nghèo. Theo thống kê, tốc độ bán vé tàu điện tử bình quân đạt gần 12.000 vé/ngày.

Theo Theo Công An Nhân Dân
MỚI - NÓNG