Trẩy hội hái sim
Với độ che phủ của rừng lên đến 80,02% diện tích tự nhiên toàn huyện, trên bình độ hơn 1200m so với mực nước biển, khí hậu cao nguyên Kon Plông quanh năm mát lạnh ôn hòa. Dưới tán rừng mênh mông ấy là bạt ngàn sim.
Thân tím, lá tím, hoa tím. Nghìn năm qua sim Kon Plông cứ nở hoa tím biếc khắp núi đồi, thung lũng suốt mùa hè. Rồi chín sẫm dần tới khi nẫu rụng, nhuộm tím cả nền rừng suốt mùa thu. Vài năm gần đây, sự xuất hiện của dự án chế biến Vang sim đã khiến đồi sim không còn hoang lạnh. Sim trở thành loại quả rừng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng nghìn hộ dân nghèo vùng sâu khắp 3 xã Hiếu, Pờ Ê, Đắk Long.
Từ mờ sáng, hàng nghìn phụ nữ đã đeo gùi ngược dốc lên khắp đồi gần, rừng xa. Lũ trẻ con đang nghỉ hè cũng cầm bao tót theo chân các mẹ chị, thi nhau hái sim để bán giành tiền mua sắm cho năm học mới. Cánh đàn ông cũng hào hứng khoác ba lô nhập cuộc. Sim rừng Kon Plông cao tầm 2-3 mét, cành mềm chi chít quả, ai cũng có thể dễ dàng vin cành chọn hái vô số trái chín căng mọng. Sau vài tiếng chọn hái thì gùi sim đã đầy, ba lô đã chật. Từng nhóm lũ lượt xuôi về các điểm thu mua. Cân bao nhiêu, nhận tiền bấy nhiêu. Người bán, kẻ mua đều vui vẻ.
Gặp nhóm phóng viên ngay trên đồi sim sau làng Kon Vơng Ke II, chị Y Trông người dân tộc Mơ Nâm vui vẻ chỉ cho chúng tôi cách chọn hái những quả sim ngọt nhất. Tuổi 29, sau khi tốt nghiệp PTTH tại trường nội trú dân tộc huyện, Y Trông về làng lấy chồng, nay 2 mặt con vẫn mặn mà nhan sắc sơn nữ. Y Trông nói chị sinh ra và lớn lên giữa những đồi sim, chưa bao giờ thấy sim giá trị như bây giờ. Mỗi ngày hái sim Y Trông có thể kiếm được hai, ba trăm nghìn đồng. Nhưng chị đang thu nhập cao hơn như thế, nhờ đứng ra thu mua sim của cả làng để bán lại cho công ty chế biến Vang sim.
“Đồng bào lên rừng hái sim, thường giữa trưa hoặc 3-4 giờ chiều về thì gùi thẳng đến nhà em. Mua vào 13-14 nghìn một ký, bán lại cho công ty 15-16 nghìn, lời ít thôi, nhưng có bao nhiêu công ty cũng mua hết. Trong làng có gần chục hộ hái sim giỏi, mỗi hộ trọn mùa sim thu được cả chục triệu đồng đấy. So với trồng bắp, trồng lúa thì hái sim dễ hơn, vui hơn mà lại nhiều tiền hơn, nên đồng bào biết quý cây sim rồi. Không ai nghe lời thương lái Trung Quốc đi đào rễ sim bán như mấy năm trước nữa! ”- Y Trông thật thà kể.
Trên cả Tây Nguyên, tôi chưa từng thấy vùng rừng nguyên sinh nào giàu sản vật quý giá dưới tán rừng cho bằng Kon Plông. Trên đường đến làng Kon Bring thơ mộng, đẹp như tranh vẽ, chị Thùy Trang cán bộ tổ Xúc tiến Thương mại huyện chỉ cho chúng tôi thấy cây tiêu rừng, thân mộc đầy trái, cả hạt và lá đều cay nồng, hương vị độc đáo. Dây phúc bồn tử, mà đồng bào thường gọi là Mâm xôi, trái chín đỏ ngọt lịm như những chùm huyết ngọc vướng vít khắp nơi. Ngay trong gian nhà nhỏ xíu của Y Trông cũng có nhiều loại đặc sản mà chị thu mua giúp dân làng, như quả phúc bồn tử 90 nghìn đồng/ký, nấm hồng chi 500 nghìn đồng/ký, cây kim cương tươi 1 triệu đồng/ ký, linh chi cổ cò mỗi ký một triệu hai, nấm lim xanh một ký 2 triệu... Ông A Lễ- bố của Y Trông cho biết ông thường đi vào rừng sâu tìm hái những thứ này, nhưng “càng đắt thì nó càng ít, phải đi rất xa mới có. Không phải dễ kiếm ra tiền suốt mùa như đi hái sim đâu…”
Quà quý của đại ngàn
Theo quy hoạch chung đô thị Kon Plông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, thì làng Măng Đen trung tâm huyện đã được định hướng đầu tư thành vùng du lịch sinh thái quốc gia, là vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum.
Măng Đen đến nay vẫn là đơn vị hành chính cấp làng độc nhất vô nhị ở Việt Nam, toàn đường nhựa phẳng lì chạy giữa những cụm biệt thự kiến trúc trang nhã thấp thoáng dưới bóng thông. Sau khi tỉnh Kon Tum phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức nhiều hội thảo về du lịch sinh thái và thu hút đầu tư tại Măng Đen, trên địa bàn huyện Kon Plông đã nở rộ nhiều dự án lâm-nông-công nghiệp của các doanh nhân trong và ngoài nước. Trong các dự án này, lãnh đạo tỉnh đặc biệt đánh giá cao việc sản xuất Vang sim Măng Đen, vì ý nghĩa và hiệu quả kinh tế-xã hội mà dự án này đem lại cho các thôn làng nghèo phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum.
Tạo điều kiện cho việc sản xuất Vang sim được thuận lợi, tỉnh và huyện đã đồng ý cấp 3,66 ha đất liền khoảnh tại làng Măng Đen để doanh nghiệp xây nhà máy và cấp hơn 465 ha rừng sim tự nhiên trên địa bàn 3 xã Hiếu, Đắk Long, Pờ Ê cho doanh nghiệp ổn định vùng nguyên liệu.
Là kỹ sư chuyên ngành công nghệ thực phẩm, sau 6 năm rời đồng bằng lên cao nguyên, đến nay chị Nguyễn Thị Nhiệm giám đốc công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn đã sở hữu cả một sản nghiệp đáng nể. Từ chỗ không có nhà xưởng, phải mượn tạm căn nhà cấp 4 của đài truyền thanh xã Pờ Ê bỏ hoang để miệt mài nghiên cứu công thức sản xuất Vang từ trái sim rừng, chị Nhiệm đã vượt qua muôn nỗi nhọc nhằn, kiên trì tổ chức sản xuất, sáng lập thương hiệu, đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên và đầu tư xây dựng nhà máy.
Không những chuyên gia trong ngành, mà nhiều cán bộ địa phương khi nhắc đến người phụ nữ đặc biệt yêu nghề, khiêm nhường và kín tiếng này cũng đều trân trọng. Việc chị nghiên cứu, chế biến thành công nhiều dòng sản phẩm giải khát thơm ngon, đạt tiêu chí xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên tại chỗ có ý nghĩa và hiệu quả đáng kể đối với tỉnh Kon Tum. Trong đó, riêng 3 dòng Vang với quy trình dậy men tinh chất sim rừng Măng Đen theo công nghệ Bordeaux-Pháp, mỗi mùa đã đưa tiền tỉ về các xóm nghèo từ 120 tấn sim rừng hoang dại.
Trở về từ nơi thu mua sim rừng ngay điểm giáp ranh giữa 2 tỉnh Kon Tum- Quảng Ngãi, cách làng Măng Đen hơn 30 km, chúng tôi đem theo nỗi băn khoăn của chị Ánh- chủ trạm thu mua này, đi tìm chị Nhiệm để hỏi vì sao chị đòi chuyển điểm thu mua trên đỉnh đèo Violắk vào UBND xã Pờ Ê ?
Tiếp chúng tôi trong khuôn viên phân xưởng thơm ngát mùi sim tươi trên dây chuyền tuyển rửa, sục khí ôzôn và chạy tia cực tím trước khi trút vào các bể cấp đông dành chế biến quanh năm, chị Nhiệm cho biết công ty đã phối hợp với UBND các xã tổ chức mua sim trực tiếp, với giá thu mua cao nhất, tránh để đồng bào bị lừa ép giá mua rẻ.
Đem lại việc làm với thu nhập tốt cho khoảng 80 công nhân, dự kiến nhà máy Vang sim Măng Đen khánh thành vào cuối năm 2017. Với tổng vốn khoảng 100 tỉ đồng, ngoài việc xây dựng nhà máy, dự án còn nghiên cứu chế biến sâu các loại đặc sản khác của địa phương. Để đủ sim rừng cho nhà máy hoạt động hết công suất, ngoài việc công ty tổ chức trồng dặm và tôn tạo rừng sim hoang dã, lãnh đạo tỉnh và huyện cũng đã hứa sẽ xem xét mở rộng thêm vùng nguyên liệu khi cần. Chị Nhiệm chia sẻ: Công ty sẽ giữ ổn định chất lượng, độ tinh khiết của giống sim rừng, chứ không tạo ra những giống sim cao sản có thể làm giảm uy tín, độ thơm ngon tự nhiên của sim rừng Măng Đen.
“Vang sim rừng Măng Đen là dự án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với tỉnh Kon Tum. Các đoàn khách quý đến đây đều được tỉnh chiêu đãi bằng loại Vang ngon này, và nhiều người đã bất ngờ khi biết quả sim hoang dại có thể biến thành sản phẩm sang trọng, tinh tế như vậy. Tôi nghĩ Kon Tum có thể tự hào về Vang sim Măng Đen- một thương hiệu mạnh với những mặt hàng sản xuất từ tinh chất thiên nhiên, lại góp phần giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo hiệu quả.”- Ông Nguyễn Đức Tuy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum cho biết.
“Vang sim rừng Măng Đen là dự án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với tỉnh Kon Tum. Các đoàn khách quý đến đây đều được tỉnh chiêu đãi bằng loại Vang ngon này, và nhiều người đã bất ngờ khi biết quả sim hoang dại có thể biến thành sản phẩm sang trọng, tinh tế như vậy. Tôi nghĩ Kon Tum có thể tự hào về Vang sim Măng Đen- một thương hiệu mạnh với những mặt hàng sản xuất từ tinh chất thiên nhiên, lại góp phần giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo hiệu quả.”- Ông Nguyễn Đức Tuy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum cho biết