Mua 228 công ty 'ma' để bán hoá đơn với tổng giá trị 25.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 3/11, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, Cơ quan CSĐT vừa bắt giữ nhóm đối tượng mua 228 công ty 'ma' nhằm mục đích mua bán hoá đơn cho các doanh nghiệp tại Hà Nội và TP HCM với doanh số 25.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 2.500 tỷ đồng cho Nhà nước, hưởng lợi bất chính 1.200 tỷ đồng.

Liên quan đến đường dây mua bán trái phép hóa đơn điện tử, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức với doanh số hóa đơn điện tử đã bán đặc biệt lớn nêu trên, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can, trong đó có 2 bị can cầm đầu là Nguyễn Minh Tú (SN 1992 thường gọi là Hùng) cùng Võ Tấn Lộc (SN 1997 thường gọi là Long) đều trú ở TP Thủ Đức, TP HCM.

Mua 228 công ty 'ma' để bán hoá đơn với tổng giá trị 25.000 tỷ đồng ảnh 1

Cảnh sát thu giữ hàng trăm con dấu liên quan đến việc mua bán hoá đơn.

Hai đối tượng thông qua mạng zalo để mua 228 Công ty có người đại diện theo pháp luật đều sử dụng giấy tờ giả, địa chỉ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước (chủ yếu ở TP HCM và Hà Nội), thiết lập mạng lưới trung gian khoảng trên 400 người.

Những người này được phân công, phân cấp nhiệm vụ rõ ràng khai thác trang thông tin điện tử các doanh nghiệp Việt Nam, tìm kiếm các đơn vị có nhu cầu mua để bán hóa đơn GTGT điện tử cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước với doanh số đặc biệt lớn khoảng trên 25.000 tỷ đồng.

Bước đầu cảnh sát xác định, thiệt hại về thuế trên 2.500 tỷ đồng. Các đối tượng thu lời bất chính khoảng trên 1.200 tỷ đồng (tương đương 5% doanh số tiền hàng ghi trên hóa đơn khống đã bán).

Trong đó, Tú và Lộc cầm đầu thu lời bất chính trên 252 tỷ đồng, tương đương 1% doanh số tiền hàng ghi trên hóa đơn khống đã bán. Các đối tượng trung gian trong hệ thống (F1, F2, F3…) hưởng lợi bất chính số tiền khoảng 750 tỷ đồng.

Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn đã bán, Tú và Lộc thành lập nhiều công ty “tài chính” cũng với hình thức mua qua mạng zalo (người đại diện theo pháp luật của các công ty này đều sử dụng giấy tờ giả), sử dụng số điện thoại sim “rác” để đăng ký ứng dụng Intenetbanking để "bơm tiền" cho các đối tượng trung gian làm thủ tục thanh toán "quay vòng".

Đối với các hóa đơn đã bán có mặt hàng cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như: đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm…Nguyễn Minh Tú đã qua mạng Internet, mua 32 con dấu giả của cơ quan có thẩm quyền (UBND các tỉnh, các Sở, ngành và các cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng) để thiết lập các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn khống chuyển cho doanh nghiệp mua hóa đơn.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Phú Thọ đã thu giữ 228 con dấu của các doanh nghiệp bán hóa đơn và 32 con dấu giả các cơ quan chức năng, phong tỏa 2 tài khoản với số tiền trên 27 tỷ đồng.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục xác minh điều tra mở rộng vụ án.

Theo Cơ quan điều tra, hóa đơn điện tử được đưa vào triển khai thí điểm từ 1/11/2018, triển khai chính thức vào 1/11/2020 và kéo dài thực hiện triển khai bắt buộc áp dụng với tất cả các doanh nghiệp từ ngày 1/7/2022.

Bên cạnh những tiện ích rất lớn, không thể phủ nhận cũng đã xuất hiện tội phạm mua bán trái phép hóa đơn điện tử với quy mô, mức độ ngày càng lớn và thủ đoạn lợi dụng môi trường quản lý điện tử thông thoáng, để thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, khó bị phát hiện và khó chứng minh hành vi phạm tội.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.