Một tình yêu vô tận

TP - Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm gắn với khá nhiều giai thoại quanh câu chuyện chụp ảnh. Có dạo nhiều người bảo tôi: “Nhiệm phá sản rồi! Phá sản chỉ vì chụp ảnh phong cảnh”.

Hoàng Thế Nhiệm là người đầu tiên chụp ảnh bằng phim dương bản màu (tương tự phim chiếu trên màn ảnh rộng) vào năm 1994, đến năm nay là vừa tròn 30 năm.

Khi ấy ở Việt Nam chưa in tráng được phim dương bản, nên trong các năm 1994 và 1995 chụp ảnh xong, anh được một hãng máy ảnh tài trợ đưa phim sang in tráng tại Singapore. Chụp xong, đợi 3 tháng mới thấy được sản phẩm của mình. Chụp loại phim này đòi hỏi kỹ thuật cao. Cả năm 1994 Hoàng Thế Nhiệm chỉ chụp được 30 tấm phim ưng ý. Song những tấm dương bản in ảnh khổ lớn với chủ đề phong cảnh quê hương đất nước đem đi in lịch đã tạo ra một hiệu ứng lớn.

Một tình yêu vô tận ảnh 1

Sapa mùa xuân 2024 Ảnh: Hoàng Thế Nhiệm

“Một năm tôi bán tới hàng trăm tấm ảnh lịch và chất lượng ảnh lịch đẹp khiến người ta sửng sốt. Tôi đi tới đâu cũng nhìn thấy ảnh lịch của mình được treo – Anh Hoàng Thế Nhiệm chia sẻ - Sau đó, một số tiệm rửa ảnh đầu tư để in tráng phim dương bản, song nhìn chung cả nước cũng chỉ dăm người thường xuyên chụp phim dương bản”.

Máy ảnh chụp phim dương bản khổ lớn rất đắt tiền bởi vậy mới có giai thoại Hoàng Thế Nhiệm bán nhà mua máy ảnh.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Ngọc nói: “Chúng tôi quen anh Nhiệm từ 30 năm trước khi còn là những chàng trai, cô gái tuổi 30. Khi đó Nhiệm đang là kỹ thuật viên vô tuyến điện trên những con tàu viễn dương. Hồi ấy cuộc sống hầu hết còn nghèo, khó khăn, Nhiệm đã dành tiền lương của anh sắm máy ảnh tốt, hàng hiệu khiến chúng tôi rất “thèm thuồng”. Đôi khi anh giảng giải cho chúng tôi những yếu tố kỹ thuật, cách sử dụng ống kính, filter hiệu quả trong những cảnh huống khác nhau. Theo thời gian, anh vẫn nuôi dưỡng niềm say mê nhiếp ảnh của mình, trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy ở mảng phong cảnh”.

Hoàng Thế Nhiệm kể “Những năm 1990, tôi bỏ số tiền tương đương 3 căn nhà mặt phố nơi tôi ở để đầu tư cho máy ảnh. Khi xuất hiện máy ảnh số, người ta ít dùng phim dương bản để in lịch nữa, tôi chuyển qua chụp ảnh bằng máy kỹ thuật số. Người ta đồn Hoàng Thế Nhiệm phá sản là vì thế. Nói phá sản thì không đúng nhưng đúng là số máy đồ sộ một thời của tôi giờ chỉ để làm kỷ niệm vì bán không ai mua”.

Một tình yêu vô tận ảnh 2

Cao nguyên Kerlingarfioll Ảnh: Hoàng Thế Nhiệm

Những năm anh Nhiệm bận rộn công việc chụp ảnh lịch tôi lại thường hay gặp anh vì anh ra Hà Nội, chuẩn bị đi Sapa thì gọi điện cho tôi ra ga Hàng Cỏ uống cà phê. Anh đem theo một cái xe máy cà tàng, bỏ trên tàu, rồi đi Sapa một mạch, không hẹn ngày về.

Xuân năm nay, gặp lại anh, ôn kỷ niệm xưa, Hoàng Thế Nhiệm kể: “Năm 1994, tháng 12, lần đầu tiên tôi lên Sapa. Từ đó đến năm 2012, ít nhất mỗi năm tôi lên Sapa 3 lần. Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm đi một lần. Tôi đi Sapa ở tính theo tháng. Lần đi ngắn nhất là 10 ngày, trung bình 20 ngày, nhiều nhất 1 tháng. Vì thời tiết Sapa hay thay đổi nên phải ở lại chờ thời tiết phù hợp chụp ảnh. Tất nhiên tôi không ở riêng Sapa mà còn chạy vào các bản nữa. Ngày đi bộ chục cây số là bình thường”.

Trước đây Sapa trời lạnh, hàng ngày Hoàng Thế Nhiệm lên Thác Bạc, vì trên đó có nắng, để sưởi ấm, phơi quần áo và ống kính, vì quần áo ẩm ướt, phơi mãi không khô. Trên Thác Bạc chẳng có nhà cửa gì, mỗi một cái chòi bán trứng nướng. Hoàng Thế Nhiệm ngồi đó phơi máy ảnh, rồi lại về, trông chờ mây bay lên thì chụp ảnh Sapa.

“Tôi thích chụp những hình ảnh mà người ta hiếm khi nhìn thấy, những hình ảnh độc đáo – Hoàng Thế Nhiệm chia sẻ - Khi mây dâng lên thì mây sẽ che mờ dần những phố xá, nhà thờ, những ngọn cây. Khung cảnh ấy nửa thực nửa như mơ không dễ gì thấy được. Tôi phải dậy từ sáng sớm và chờ đợi, có khi vài chục ngày, để có khoảnh khắc ấy và bấm máy chỉ trong mấy phút thôi. Trong giây lát, sương sẽ bao phủ tất cả, rồi nó cũng sẽ tan biến đi”.

Hoàng Thế Nhiệm có hàng vạn bức ảnh về Sapa và các phong cảnh đẹp của đất nước, nhưng anh từ chối việc được gọi là “Nghệ sĩ nhiếp ảnh”. Anh nói: “Nhiều người thích có chức danh nghệ sĩ nhiếp ảnh, như nghệ sĩ nhiếp ảnh ưu tú chẳng hạn, giống với nghệ sĩ múa, nghệ sĩ sân khấu, nhưng tôi đơn giản là một nhiếp ảnh gia thôi. Ở nước ngoài người ta cũng không có danh hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh”.

Nhiều năm chụp ảnh về thiên nhiên, Hoàng Thế Nhiệm có cách nhìn riêng mình với sự phát triển của các điểm du lịch, check -in.

Anh nói: “Nhiều nơi xây dựng ga cáp treo. Lúc đầu khách thấy lạ, đi cáp treo đông, nhưng rồi khách thưa vắng dần. Những người làm du lịch cũng nói với tôi rằng du khách chỉ đi cáp treo một vài lần thôi, sau không trở lại nữa. Tôi đi du lịch nước ngoài, thấy ít nơi có cáp treo. Muốn đến các danh thắng phải đi bộ một vài cây số, họ cấm cả xe đạp! Du khách chỉ men theo lối mòn, không được dẫm lên cỏ dại, đó mới là yêu và bảo vệ thiên nhiên”.

Một tình yêu vô tận ảnh 3

Hoàng Thế Nhiệm trên con đường nhiếp ảnh của mình Ảnh: Tư liệu

Hoàng Thế Nhiệm leo đỉnh Fansipan 5 lần. Anh ấn tượng với độ cao 3.000 m, nơi có một rừng trúc lùn bạt ngàn. Mỗi lần lên đỉnh, anh lại cắm trại dưới rừng tre. “Ngày nay hầu như không thấy tông tích rừng trúc Fansipan đâu nữa, nhiều công trình xây dựng mọc lên ngay trên núi. Tôi thấy tiếc. Tôi đã đến các nước có rừng trúc lùn như Fansipan, họ làm cầu gỗ đi trên rừng trúc lùn, cầu dài hàng cây số, khách đi ở trên chứ không cho ai đạp lên trúc. Họ giữ rừng trúc nguyên sinh khiến tôi chợt nhớ đến rừng trúc Fansipan năm nào”.

Những con đường mới mở, những tuyến xe đến tận các vùng sâu xa giúp cuộc sống nhiều mở mang, nhiều thay đổi. Song đâu đó anh nhìn thấy những đứa trẻ người thiểu số nhảy hip hop kiểu Hàn Quốc, Trung Quốc để thu hút du khách. Những trang phục được các em mặc vốn mua trên mạng, thậm chí của dân tộc khác. “Du khách thấy các em nhảy hip hop thấy lạ và cho tiền, nhưng lâu dài thì văn hóa bản địa sẽ phai nhạt đi” – Nhà nhiếp ảnh trăn trở.

“Với tôi, nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm là tay máy chụp mảng phong cảnh hàng đầu Việt Nam. Anh say mê sáng tác, đi đó đây nhiều, đặt chân lên mọi vùng miền đất nước để chụp nên những tác phẩm xuất sắc về vẻ đẹp quê hương đất nước. Anh sưu tập nhiều máy móc, phương tiện kỹ thuật mới nhất, chất lượng cao và sử dụng thành thạo để biến hoá ra tác phẩm theo ý tưởng của mình”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Ngọc

Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm đã đi 30 quốc gia trên thế giới để chụp ảnh. Anh tự trang bị máy in cho mình, tự in ảnh và bán theo các phiên bản giới hạn và đại trà. “Tôi chưa khi nào nghĩ sẽ giàu nhờ nhiếp ảnh – Người được gọi là vua nhiếp ảnh phong cảnh tiết lộ - Anh nghĩ xem, một miếng kính chống lóa rộng 1m2 hiện giá 300 USD, chưa kể khung ảnh bằng gỗ sồi rất đắt tiền. Trong khi, ảnh tôi đầu tư máy móc in với chất lượng dùng cho các bảo tàng thế giới, mà giá chỉ 200 USD. Tóm lại hiện giá ảnh rẻ hơn giá khung. Tôi làm việc vì tình yêu với công việc của mình và hơn cả là tình yêu với thiên nhiên”.

Đôi khi nhà nhiếp ảnh thiên nhiên chạnh lòng thấy thị trường tranh sôi động, nhiều phòng tranh lớn nhỏ mở ra và người ta bỏ hàng ngàn hàng chục ngàn đô la Mỹ để sưu tầm một bức tranh. Với nhiếp ảnh thì không, hầu như tại Việt Nam chưa có thị trường nhiếp ảnh. Ai đó xem trên mạng, hoặc bạn bè giới thiệu thì tìm tới tác giả mua một vài bức ảnh về treo. “Ở nước ngoài, thị trường nhiếp ảnh luôn tồn tại song song với thị trường tranh. Tôi ước ao nước mình cũng được như thế”- Hoàng Thế Nhiệm nói.

Hoàng Thế Nhiệm chuẩn bị cho chuyến đi mới trong mùa xuân. Anh nói: “Về tới thiên nhiên, đi bộ, chụp ảnh thiên nhiên và con người, mỗi chúng ta bỗng dưng sống chậm lại, suy nghĩ và cảm nhận về cuộc sống sâu hơn, điều đó thật là thú vị”. 1/2024

N.A