Một thoáng Cali

Một thoáng Cali
TP- Những tưởng vào tới Muir Woods, gặp rừng thông đỏ là điểm cuối vùng đất này, nhưng đi sâu hơn hai cây số nữa chúng tôi đến khu dân cư trù phú sống cheo leo trên những sườn núi.
Một thoáng Cali ảnh 1
Giáo sư Cohon (bên phải)

Xe chạy dọc theo bờ biển Muirbeach, lượn qua mấy sườn núi mới tới Vườn Quốc gia Muir Woods. “Của độc” của Muir Woods là thông đỏ mà có những cây tuổi đời trên 3.000 năm, được coi là loại gỗ quý nhất vùng California.

Những tưởng vào tới Muir Woods, gặp rừng thông đỏ là điểm cuối vùng đất này, nhưng đi sâu hơn hai cây số nữa chúng tôi đến khu dân cư trù phú sống cheo leo trên những sườn núi.

Đó cũng là nơi chúng tôi dừng lại buổi tối để dùng bữa “cơm Mỹ” tại nhà tiến sĩ Donald Cohon – GS Trường Đại học Y khoa của bang California.

Ngôi biệt thự xinh xắn của tiến sĩ Cohon nằm chót vót trên đồi cao. Ba tầng lầu nhưng từ lâu GS vẫn sống một mình, con trai và con gái trưởng thành đều đã ra ở riêng. Gần đây, GS dành hẳn tầng một cho hai sinh viên ở nhờ. Tiến sĩ Cohon nói được tiếng Việt.

Ông đùa: “Nếu ở Việt Nam mọi người sẽ gọi tôi là Cô Hồn”. GS kể về con gái Jessica 25 tuổi và con trai Nicholas 23 tuổi. Jessica hiện đang làm việc tại một khách sạn. Nicholas tốt nghiệp ĐH Western. Anh là người luôn quan tâm tới vấn đề giữ gìn môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

GS Cohon từng đến Việt Nam năm 21 tuổi, sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương. Ngày đó Cohon làm việc cho Tổ chức Tự nguyện quốc tế (IVS), một tổ chức bảo trợ những chương trình tự nguyện vùng Đông Nam á, châu Phi và Nam Mỹ.

“Tôi là một trong 8 người Mỹ trẻ, gồm 5 GS Anh ngữ và 3 chuyên gia canh nông đến Việt Nam năm đó...”- Cohon nói. Về Mỹ, bảo vệ xong luận án tiến sĩ tâm lý học, Cohon dọn nhà đến sống tại quận San Francisco.

GS thổ lộ: “Tôi từng mơ ước được làm những công việc xã hội để cải thiện đời sống của những người kém may mắn. Giờ đây, tôi đã đạt được giấc mơ ấy với những công việc mình đang làm. Tôi có ý định sẽ tổ chức vài dự án tại Việt Nam trong tương lai và tôi muốn tiếp tục công việc xã hội tại đó”.

Trong câu chuyện, Tiến sĩ Cohon luôn thể hiện có một tình yêu với đất nước, con người Việt Nam. Trong căn nhà GS, ở góc trái treo bức sơn mài mua từ Việt Nam.

Trên giá sách GS bày mấy cuốn từ điển Anh - Việt, Việt- Anh, và tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. GS rất vui khi được nhà thơ Lê Mạnh Tuấn - báo Nhân Dân tặng mấy tập thơ.

Ông khoe mọi người “Bộ sưu tập Việt Nam ” (từ GS dùng), trong đó lưu giữ những tấm vé đi tàu của Đường sắt Việt Nam, vé máy bay đi lại Sài Gòn - Hà Nội của Vietnam Airline, vé xem múa rối ở Nhà hát múa rối Thăng Long hay xem kịch Đèn không hắt bóng ở Sân khấu nhỏ TP HCM... trong chuyến đến Việt Nam năm 1999.

Nhìn ngắm những tấm ảnh chụp ở Vịnh Hạ Long, Văn Miếu, chùa Hương, chùa Thầy... GS lắc đầu nguầy nguậy, nói mấy câu tiếng Việt: “Tiếc là không đến được Huế, để nghe đi mô rứa...”, khiến ai cũng bật cười.

Gia đình anh Phạm Văn Công đang sinh sống tại quận Alameda bang California. Với California thì đây không phải là quận có nhiều người Việt sinh sống như quận Cam, hay San Jose. Dọc con đường đến nhà anh có rất nhiều khu phố mà người Cali gọi là Mobile Home, tức là nhà di động.

Giá mỗi căn Mobile Home là 30 ngàn đô la. Anh Công cho biết, những người dân sống trong mỗi Mobile Home này phải trả tiền thuê đất, khi nào vùng đất này được quy hoạch họ phải tháo nhà tới vùng đất khác...

Anh Phạm Văn Công hiện đang làm việc ở Toà án Tiểu bang và Toà án Liên bang tại San Francisco. Hồi trẻ, khi ở Sài Gòn anh học tại trường Trung học Chu Văn An, sau này là sinh viên ĐH Luật khoa Sài Gòn. A

nh bảo vệ bằng thạc sĩ bang giao quốc tế (đối ngoại) tại ĐH Califonia. Anh Công làm việc hai năm rưỡi tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á của trường ĐH Berkeley trước khi thi làm thông dịch viên Toà án. Anh tiếp tục theo học ĐH California để lấy bằng thạc sĩ xã hội học.

Nhà của gia đình anh Công khá đẹp, góc nào cũng thấy treo những giò phong lan. Khu vườn phía sau nhà có hẳn một giàn hoa lan. Anh bảo: “Bà xã tôi thích hoa lan nên mới trồng kín nhà vậy đó...”.

Vợ anh – chị Lan, vốn là sinh viên ĐH Luật Cần Thơ, nay sang đây hùn vốn với người bạn bán đồ ăn trưa, khách chủ yếu là người Mỹ. Vợ chồng anh chị có hai người con: Phạm Nguyễn Công Chính tốt nghiệp ĐH California, khoa Điện Toán nay làm tại Ty cung cấp tiện nghi thành phố vùng Đông Vịnh, còn Phạm Nguyễn Công Bình tốt nghiệp ĐH Berkeley, khoa Hoá Sinh hiện làm tại Phòng thí nghiệm ĐH Y khoa Davis. Hai anh em đều lắm tài... lẻ.

Công Chính từng là phụ tá huấn luyện đội bơi trường trung học Oakland. Chính và Bình trước đó cùng là thành viên trong đội bơi của trường. Công Bình thì chơi được ba loại đàn organ, piano và guitar.

Anh Phạm Văn Công tự hào: “Mấy đứa nhỏ đều ảnh hưởng tính mẹ, hiền khô hà. Tôi đặt tên hai đứa là Công Chính, Công Bình cũng chỉ mong lớn lên các con sống đàng hoàng, thẳng thắn”. Anh cho biết: “Hai cháu luôn muốn về Việt Nam. Cuối năm 2006, cả nhà tôi sẽ về thăm quê”.

Bonnie – vợ Công Chính là người Hồng Kông nhưng sinh ra tại California. Dẫu có thể tự lập được cuộc sống riêng cho mình nhưng vợ chồng Công Chính lại thích sống cùng bà ngoại và bố mẹ. Mẹ vợ anh cũng sang Mỹ sống cùng họ đã 6 năm nay.

Hôm tôi đến, vừa tới cửa đã nghe tiếng đàn Piano... Tôi rất bất ngờ khi gặp cụ bà 83 tuổi – má chị, đang ngồi dạo đàn. Cuối tuần vợ chồng Công Bình lại đưa con trai về nhà ông bà ăn cơm.

Bonnie vừa loay hoay nấu cơm bên bếp vừa góp chuyện tíu tít với cả nhà. Cô chưa nói sõi tiếng Việt nên buộc phải “giao dịch” bằng tiếng Anh.

MỚI - NÓNG