Các tàu mà hải quân Trung Quốc biên chế bao gồm: hai tàu hộ tống tên lửa lớp Type 056A, hai tàu khu trục tên lửa Type 052D, một tàu khu trục tên lửa hạng nặng lớp Type 055 và tàu sân bay Sơn Đông, theo Navy Recognition.
Với các tàu chiến mới, hải quân Trung Quốc có tổng số 300 tàu, nhiều hơn so với 290 tàu của hải quân Mỹ, theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và chiến lược (CSIS). Tuy nhiên, cấu trúc của hạm đôi hải quân hai nước rất khác biệt. Washington có tới gần 2 tá tàu sân bay+ tàu đổ bộ trực thăng phục vụ tác chiến tầm xa, trong khi đó 1/3 hạm đội của hải quân Trung Quốc là các tàu tên lửa cỡ nhỏ phục vụ tuần tra ven biển.
Đội tàu cỡ nhỏ này giúp hải quân Trung Quốc bảo vệ vùng ven biển rộng lớn, nhưng theo nhận định của Sputnik, nhiệm vụ của chúng còn là các đảo và dãy đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép trên biển Đông. Ở vùng biển này, hải quân Trung Quốc được hỗ trợ bởi đội ngũ dân quân biển mà theo mô tả của giáo sư James Kraska của Học viện Hải quân Hoa Kỳ, là “lực lượng vũ trang đông đảo ít tốn kém”, bao gồm các tàu đánh cá và tàu loại khác nhưng đều có vũ trang.
Collin Koh, nhà nghiên cứu thuộc trường quốc tế S Rajaratnam ở đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nói với tờ South China Morning Post rằng quy mô của hải quân Trung Quốc ổn định trong những năm gần đây, nhưng “chất lượng nói chung của tàu bè đã tăng lên, khi có các tàu khu trục và khinh hạm mới được biên chế, chúng lớn hơn và có năng lực hơn các tàu bị thay thế”.
Các tàu mới được biên chế vào hải quân Trung Quốc đều là tàu tác chiến tầm xa được trang bị tên lửa, ngư lôi và máy bay, ví dụ tàu sân bay Sơn Đông, 70.000 tấn, là tàu chiến lớn nhất nếu không tính các tàu của Mỹ, tương đương với tàu sân bay mới của Anh là HMS Queen Elizabeth. Tàu lớp Type 055, lượng choán nước 12.000 tấn, là tàu khu trục lớn nhất thế giới, trong khi đó các tàu khu trục lớp Type 052D có lượng choán nước 8.000 tấn, có năng lực tấn công tên lửa, phòng không hoặc tác chiến chống ngầm.