Theo báo cáo của các địa phương, các đơn vị có đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết như: Hải Phòng, Trà Vinh, Ninh Thuận. Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản đều ổn định, không xảy ra hiện tượng khiếu kiện đông người… Một số tỉnh, thành phố đề nghị và đã được Hội đồng bầu cử quốc gia cho phép tổ chức bầu cử sớm hơn so với ngày bầu cử toàn quốc tại một số khu vực bỏ phiếu ở một số địa phương như: Thành phố Hải Phòng, các tỉnh Đắk Nông, Nghệ An, Đắk Lắk, Cần Thơ, Cà Mau, Bình Định, Quảng Ngãi…
Tại Hội nghị, Bộ Nội vụ cho biết: Từ nay đến ngày 12/5, đề nghị các tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương chủ động, xử lý theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến công tác bầu cử. Sau thời điểm này, các hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị chưa được giải quyết thì chuyển đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp để tiếp tục xem xét, giải quyết. Thời điểm vận động bầu cử kết thúc trước 7h sáng ngày 21/5.
Cụ thể, ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị sớm ban hành nghị định về tiêu chí phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương để địa phương làm cơ sở bố trí, sắp xếp phó chủ tịch UBND cấp xã theo quy định. Một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trong công tác bầu cử còn mâu thuẫn gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương thực hiện như Thông tư số 02 của Bộ Nội vụ (ngày 1/2/2016) và các công văn số 278 (ngày 16/4/2016), 305 (ngày 26/4/2016) của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia...
Ghi nhận các ý kiến đại diện của các tỉnh, thành phố, ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến lên cấp có thẩm quyền xem xét, kịp thời xử lý những vướng mắc.