Sáng 27/4, Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân (ĐB HĐND) thành phố nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban bầu cử thành phố cho biết Hà Nội đã chốt có 37 ứng viên ĐBQH khóa XIV do có 1 người xin rút và 178 ứng viên ĐB HĐND thành phố (1 người cũng xin rút), phân về các đơn vị bầu cử.
Theo bà Ngọc, do thành phố có 10 đơn vị bầu cử ĐBQH và 30 đơn vị bầu cử ĐB HĐND thành phố nên có rất nhiều việc phải làm, trong đó có công tác tuyên truyền, vận động bầu cử, tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri…
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban bầu cử thành phố phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trường Phong
+ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội đã chốt danh sách các ứng cử viên ĐBQH là 37 thay vì 38 như ban đầu. Bà có thể nói rõ hơn về trường hợp này?
- Qua 3 vòng hiệp thương thì Hà Nội đã giới thiệu được 38 ứng cử viên ĐBQH. Quá trình đó đều thực hiện theo các bước đúng quy định. Tuy nhiên, có một ứng cử viên vì điều kiện công việc nên đã làm đơn xin rút. Do vậy, số ứng cử viên ĐBQH của Hà Nội còn 37 người. Ứng cử viên ứng cử ĐB HĐND sau 3 vòng hiệp thương có 179 người. Nhưng sau đó, một ứng cử viên cũng làm đơn xin rút. Do vậy, chúng tôi đã phê chuẩn 178 ứng cử viên theo đúng quy định của luật.
+ Lịch trình cụ thể từ nay tới ngày bầu cử sẽ được thực hiện như thế nào, thưa bà?
- Theo quy định của luật, ngay sau đây chúng ta sẽ tiến hành hội nghị tiếp xúc cử tri cho các ứng cử viên. Đây là việc làm quan trọng để ứng cử viên tiếp xúc cử tri, tiếp cận cử tri để vận động bầu cử theo quy định của luật. Lịch trình các bước thì được thực hiện theo đúng quy định. Khi niêm yết xong thì sẽ tổ chức các cuộc vận động.
Cuộc gặp mặt hôm nay cũng là để chuẩn bị cho các cuộc vận động tiếp xúc cử tri. Tại đây chúng tôi cung cấp cho các ứng cử viên về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố. Thứ hai là những quy định trong tiếp xúc cử tri. Thứ ba là xác nhận của ứng cử viên với tiểu sử tóm tắt, lý lịch của mình để sau đây, những tiểu sử này sẽ được gửi đến các nơi niêm yết danh sách của các ứng cử viên.
+ Hội nghị tiếp xúc cử tri sẽ được mở rộng như thế nào để có cơ hội nhiều hơn cho các cử tri gặp gỡ, trao đổi với các ứng cử viên?
- Với Hà Nội, đơn vị bầu cử nhiều. Bầu cử ĐBQH có tới 10 đơn vị. Còn bầu cử ĐB HĐND thì có tới 30 đơn vị. Số ứng cử viên đông. Vậy làm thế nào để cử tri hiểu được ứng cử viên để bầu cử cho chính xác? Trước tiên, khâu tuyên truyền phải thật tốt. Tuyên truyền trên báo chí, quận, huyện tuyên truyền về các ứng cử viên một cách công khai, minh bạch. Bản thân ứng cử viên cũng phải tuyên truyền đúng luật thông qua tiếp xúc cử tri.
Tiếp xúc cử tri sẽ tổ chức ở các quận, huyện. Mỗi đơn vị quận huyện là một buổi tiếp xúc các đại cử tri. Sau đó, chúng tôi sẽ cho mạn đàm về tiểu sử của các ứng cử viên ở khu dân phố, ở đơn vị bầu cử. Mạn đàm về tiểu sử, quá trình công tác, cơ cấu…để cử tri nắm được. Trên cơ sở đó, nắm được mình được bầu bao nhiêu người. Trong bảng có ứng cử viên ở những lĩnh vực nào.
Lưu ý là khi các ứng cử viên khi đi vận động bầu cử thì phải đúng luật. Chương trình hành động thì phải xác thực gắn với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, với cuộc sống của người dân khi mình đến vận động bầu cử. Các cử tri cũng lưu ý, phải nắm được ứng cử viên của mình theo đánh giá của các cơ quan đơn vị, hoặc nghe trực tiếp từ các ứng cử viên hoặc tự nghiên cứu. Tránh hiện tượng như trước đây mang vật chất đến để vận động. Cử tri cũng lưu ý vấn đề này, vì họ là những người đại diện cho mình, nên phải là người có phẩm chất đạo đức tốt.
+ Hà Nội là nơi tập trung của các Khu công nghiệp, trường đại học với hơn 2 triệu công nhân, sinh viên. Các đối tượng tạm giam, tạm giữ cũng có quyền bầu cử. Hà Nội làm gì để bảo đảm quyền lợi của những đối tượng này?
- Trước hết phải bảo đảm về việc tuyên truyền luật, chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho các báo tuyên truyền và chúng tôi cũng cử người của Ủy ban Bầu cử trực tiếp đến trao đổi giải quyết những thắc mắc của những đối tượng đó, đặc biệt là đối tượng lần đầu tiên đi bầu cử. Phải tuyên truyền luật để cử tri nắm được quyền của mình. Từng đối tượng thì cần phải có cách tuyên truyền khác nhau.
+ Hà Nội làm gì để tránh tình trạng 1 người bầu cho cả nhà?
- Vì dân trí của Hà Nội và trách nhiệm của người dân Hà Nội tương đối cao nên việc bầu cho cả nhà không nhiều. Để tránh tình trạng này thì vẫn phải tuyên truyền từ cơ sở. Tuyên truyền để người dân thấy được trách nhiệm và niềm tự hào của mình khi đi bỏ phiếu để xây dựng bộ máy, xây dựng chính quyền. Nếu bỏ đi quyền ấy thì cử tri sẽ là người thiệt thòi…Các tổ chức đoàn thể, tổ chức bầu cử ở các cấp phải làm tốt việc này.
Cảm ơn bà!