Một phương pháp luận vượt qua khủng hoảng tài chính

Một phương pháp luận vượt qua khủng hoảng tài chính
TP - Geogre Soros trong cuốn sách mới xuất bản của mình đã đề nghị một Mô thức (paradigm) mới để lý giải sự “khó hiểu, khó đoán” của thị trường tài chính.
Một phương pháp luận vượt qua khủng hoảng tài chính ảnh 1

Cũng cùng một Công ty, cách đây chỉ vài tháng, khi cổ phiếu của nó hệ số P/E = 60 (tức giá thị trường gấp 60 lần thu nhập tạo ra được từ cổ phiếu đó), người ta bu vào mua.

Hôm nay, cũng cổ phiếu ấy, với giá thị trường đã rẻ như bèo, hệ số P/E chỉ còn 5 - 6, tức giá giảm, chỉ còn 10% so với giá trước đây (trong khi công ty vẫn hoạt động bình thường, thậm chí lợi nhuận vẫn tăng trưởng), thì mọi người lại đua nhau bán ra, đỏ rực cả sàn chứng khoán!

Nghịch lý này dường như phủ nhận tất cả những lý thuyết kinh tế học tài chính hiện hành về Thị trường hiệu quả, về cơ chế điều chỉnh “tự cân bằng” của thị trường, phủ nhận cả những phương pháp định giá cơ bản mà ở VN người ta vẫn quen dùng để tính ra “giá trị thực” của cổ phiếu.

Rất nhiều người đổ xô đi tìm cái chân lý “giá trị thực” của cổ phiếu, nhưng thực tiễn cho thấy họ cứ phải mãi mãi tìm mà…chưa bao giờ thấy được.

“Thực” hay “ảo” cuối cùng có lẽ tùy theo suy nghĩ của mỗi người. Và Geogre Soros trong cuốn sách mới xuất bản của mình đã đề nghị một Mô thức (paradigm) mới để lý giải sự “khó hiểu, khó đoán” của thị trường tài chính. Đó chính là do mối quan hệ giữa suy nghĩ và thực tại của những người tham dự thị trường.

Với hàng chục năm kinh nghiệm là nhà quản lý đầu tư nổi tiếng thế giới, Soros nghi ngờ những lý thuyết kinh tế học đang rất phổ dụng hiện nay – những lý thuyết vẫn cứ cố gắng định lượng mà không bao quát được yếu tố bất định của con người.

Soros đặc biệt nhấn mạnh yếu tố con người và lập luận rằng lối tư duy của con người ta khi tham gia thị trường thể hiện một chức năng kép. Một là, con người ta thường có xu hướng tìm hiểu tình hình, ông ta gọi là  chức năng nhận thức.

Tuy nhiên, sau khi đã tìm hiểu và có kinh nghiệm rồi, con người ta lại tìm cách thay đổi tình hình đó, và xuất hiện một chức năng thứ hai, được Soros đặt tên là chức năng thao túng.

Cái Mô thức không định lượng và mang hơi hướng triết học này thực ra đã có từ lâu trong Cựu Ước: bà Eva và ông Adam sau khi đã tìm hiểu hết mọi sự vật bình yên êm ấm trong vườn địa đàng rồi lại không vâng lời, mon men đến cái cây mà Chúa Trời đã cấm để… ăn thử trái cấm, chấp nhận việc bị đày xuống trần gian sống khổ sở sinh ra nhân loại, hiểu biết mọi thứ trên đời và thường xuyên gây ra khủng hoảng cho chính mình!

Điều đáng quan tâm là suốt hàng chục năm nay, Geogre Soros đã vận dụng Mô thức này để dự báo rất chính xác về diễn biến của Thị trường tài chính thế giới và để kinh doanh cực kỳ thành công, đến mức người ta đã gọi ông là “phù thủy”.

Gần đây, khi đã “rửa tay gác kiếm” không giữ vai trò điều hành chủ chốt trong quỹ đầu tư của mình nữa, ông đã khái quát hóa phương pháp tiếp cận này để mang tính học thuật cao hơn, cố gắng nâng nó lên thành một triết lý.

Trong cuốn sách mới xuất bản lần này, Soros tự nhận mình là “một nhà đầu cơ thành công” nhưng lại là “một triết gia bất thành”. Căn cứ trên mô thức có vẻ như khá đơn giản này, cuốn sách cũng đưa ra những lý giải (kiểu Soros) về những nguyên nhân căn bản đã gây ra tình trạng khủng hoảng hiện nay, và đằng sau đó là những gợi ý về phương pháp luận rất thú vị để chúng ta có thể suy nghĩ về một cách tiếp cận mới, tìm ra những giải pháp cho riêng mình.

Chuyện gì đang xảy xa đối với thị trường tài chính toàn cầu? Tại sao khủng hoảng tài chính lại xảy ra nặng nề và trầm kha như vậy, mặc dù hầu hết chính phủ các nước từ Mỹ, châu Âu, Nga, Nhật, Úc,… đã ra sức bơm ngân sách liên tục hòng cứu vãn tình thế?

Nguy cơ khủng hoảng đình trệ kinh tế đang hiện ra rất rõ tiếp theo sau khủng hoảng tài chính là mối lo âu lớn của tất cả mọi người, không chỉ của những đại gia tư bản ở đâu đó trên thế giới, bởi nó cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tiền tiết kiệm gửi ngân hàng, đến thu nhập, đến công ăn việc làm của từng hộ gia đình ở Việt Nam ta.

“Những gì phải xảy ra thì đã và sẽ xảy ra” - cái còn lại có thể điều chỉnh được ở mỗi cá nhân chúng ta, cho cuộc khủng hoảng này và những khủng hoảng trong tương lai, chính là một phương pháp luận để có thể lý giải, và đưa ra quyết định phù hợp với thực tại, sao cho có lợi nhất cho mình.

Và cuốn sách mới năm 2008 của Geogre Soros  “Mô thức mới cho Thị trường Tài chính”- Phạm Tuấn Anh và Hoàng Hà dịch, NXB Tri Thức, Phương Nam Book phát hành, 2008) đem lại nhiều gợi mở về phương pháp đó.

MỚI - NÓNG