Một nhân viên của Reuters bị lính Mỹ bắn chết

Một nhân viên của Reuters bị lính Mỹ bắn chết
Cảnh sát Iraq cho biết, hôm qua lính Mỹ đã bắn chết một kỹ thuật viên âm thanh của hãng truyền hình Reuters và làm một phóng viên quay phim bị thương ở thủ đô Baghdad của Iraq.
Một nhân viên của Reuters bị lính Mỹ bắn chết ảnh 1
Cha và chú của Waleed Khaled

Trưởng đại diện Reuters tại Baghdad Alastair MacDonald cho biết, người thiệt mạng là Waleed Khaled, 35 tuổi, và phóng viên quay phim Haider Khadem, 24 tuổi, bị thương trong lúc họ đang lái xe tới nơi xảy ra đụng độ ở quận Hay al-Adil, phía Tây Baghdad.

Cảnh sát Iraq cho biết, cả hai người bị lính Mỹ bắn đều là người Iraq. Waleed Khaled thiệt mạng do bị trúng đạn vào mặt và ít nhất 4 viên đạn vào ngực, còn Kadhem bị thương ở lưng trong lúc họ đang lái xe đi thẩm định nguồn tin của cảnh sát Iraq .

Kadhem nói với các đồng nghiệp tại hiện trường: "Tôi nghe tiếng súng nổ. Tôi nhìn lên và thấy một lính bắn tỉa Mỹ đang ở trên nóc một trung tâm thương mại".

Bộ Nội vụ Iraq dẫn báo cáo của cảnh sát tại hiện trường cho biết: "Đoàn của Hãng tin Reuters đang đi thẩm định tin về 2 cảnh sát thiệt mạng ở quận Hay al-Adil thì quân đội Mỹ đã nổ súng khiến Waleed Khaled thiệt mạng sau khi bị trúng đạn vào đầu, còn Haider Kadhem bị thương".

Còn tuyên bố của quân đội Mỹ cho biết: "Lực lượng đặc nhiệm Baghdad đã đáp trả vụ tấn công khủng bố nhằm vào xe của cảnh sát Iraq lúc 11 giờ 20... làm chết và bị thương nhiều cảnh sát. Một dân thường thiệt mạng và một người khác bị thương trong vụ tấn công".

Người phát ngôn quân đội Mỹ, Trung tá Steven A. Boylan cho biết, vụ việc đang được tiến hành điều tra. Phóng viên quay phim Waleed Khaled đang bị bắt giữ để thẩm vấn vì "mâu thuẫn với lời khai lúc đầu".

Waleed Khaled bị lính Mỹ bắt giữ để thẩm vấn 12 giờ sau khi xảy ra sự việc mặc dù Reuters yêu cầu Waleed Khaled phải được tự do để điều trị vết thương ở lưng.

Tổ chức Nhà báo không biên giới có trụ sở tại Paris cho biết, tính tới thời điểm này đã có 66 nhà báo và cộng tác viên thiệt mạng tại Iraq kể từ khi Mỹ mở cuộc chiến Iraq năm 2003.

MỚI - NÓNG